|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ từ việc trồng mì ồ ạt

21:54 | 14/12/2018
Chia sẻ
“Được mùa, mất giá” là điệp khúc quen thuộc trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cây khoai mì (sắn) lại lâm vào tình trạng mất cả 2 thứ nói trên, tức rớt luôn cả giá dù sản lượng giảm mạnh.
nguy co tu viec trong mi o at
Tình trạng tiêu thụ mì củ, mì lát và tinh bột mì đều rơi vào cảnh khó khăn

Sau một thời gian người dân nhiều tỉnh, thành chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát, ồ ạt chạy theo cây mì với niềm tin vào một mức thu nhập tốt hơn so với những cây trồng khác thì đến nay thị trường loại nông sản này bắt đầu xuất hiện những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sinh kế của người nông dân.

Rủi ro đã được cảnh báo

Diện tích trồng mì tại Việt Nam hiện đang ở mức 530.000 hecta, tập trung chủ yếu ở các khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trung du miền núi phía Bắc, năng suất trung bình trên 18 tấn/hecta. Kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Thái Lan).

Đây có thể được xem là những thông tin đáng mừng về loại cây công nghiệp từng được xem là cây xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do tâm lý chạy theo số đông, rất nhiều nông dân đã quyết định phá bỏ cây trồng cũ để chuyển sang trồng mì mà không hề có bước chuẩn bị kỹ càng, dẫn đến việc không chỉ năng suất thu hoạch không cao mà còn khiến rơi vào giai đoạn thị trường đang rớt giá.

Theo báo cáo, thị trường tiêu thụ mì củ, mì lát và tinh bột mì đều đang rất khó khăn. Đối với mì lát, giá xuất khẩu hiện đang tiếp tục giảm mạnh do nhu cầu mua từ Trung Quốc rất yếu. Tại cửa khẩu Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), giá mua mì tươi cao nhất chỉ 2.500 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, do xuất khẩu khó khăn nên giá mua mì củ của các nhà máy tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 200 đồng/kg, xuống còn 2.300 - 2.350 đồng/kg với mì 30 chữ bột, tương đương với giá mua tại ruộng còn 1.900 - 2.000 đồng/kg tùy vùng. Tại Móng Cái (Quảng Ninh), giao dịch xuất khẩu tinh bột mì vẫn đang trong trạng thái đóng băng, hàng chỉ đưa lên kho chứ không thể bán ra trong thời điểm này.

Nguyên nhân là do nguồn cung mì vụ mới của Trung Quốc hiện đang khá dồi dào, cộng thêm việc một số tàu chở mì củ, tinh bột của Thái Lan đã về tới cảng với giá rẻ hơn nhiều so với hàng Việt Nam, chỉ còn 1,8 bath/kg cho mì củ, tương đương 1.270 đồng/kg. Theo các thương nhân, giá tinh bột mì tại khu vực Quảng Châu (Trung Quốc) hiện nay giảm rất mạnh, chỉ còn dao động quanh mức 3.630 - 3.650 Nhân dân tệ/tấn, tương đương với giá mà Trung Quốc có thể trả cho hàng từ Việt Nam giao tại Móng Cái chỉ còn dưới 3.300 tệ/tấn.

Với 90% sản lượng phụ thuộc vào duy nhất một thị trường đầu ra là Trung Quốc, cộng thêm việc nông sản Thái Lan với chất lượng cao, giá rẻ tràn vào cạnh trạnh, không quá khó hiểu khi giá cây mì Việt Nam biến động liên tục theo chiều hướng đi xuống. Rủi ro khi nông dân đổ xô đi trồng mì hoàn toàn đã được cảnh báo.

Nông dân thiệt đơn thiệt kép

Trong khi thị trường đầu ra ảm đạm, mới đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tình trạng ngập úng nghiêm trọng đã khiến nhiều diện tích mì mới xuống giống tại tỉnh Tây Ninh bị ảnh hưởng và phải trồng lại, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Bên cạnh đó, dịch bệnh khảm lá đang hoành hành trên diện rộng lại khiến nguồn cung hom giống khan hiếm, đẩy giá hom giống tăng mạnh so với cùng kỳ hàng năm, lên mức 30.000 - 50.000 đồng/bó tùy loại.

Theo quy luật cung cầu, giá giảm là khi nguồn cung dồi dào còn nhu cầu xuống thấp. Tuy nhiên hiện nay đang tồn tại một nghịch lý khi bối cảnh cây mì Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành lại rơi vào tình trạng nguồn cung dù đã thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, mưa bão nhưng giá trên thị trường vẫn xuống thấp, hàng tồn không thể đẩy đi. Điều này gây ra thiệt hại kép cho nông dân trồng mì.

nguy co tu viec trong mi o at
Bệnh khảm lá đang hoành hành trên tất cả các địa bàn trồng mì

Với tình trạng mất mùa rớt giá trên, người nông dân trồng mì đang rất khó khăn. Chưa kể, do đặc tính “phá đất” của cây mì, những diện tích đất canh tác sẽ sớm bạc màu. Chỉ sau vài năm cho thuê trồng mì, đất sẽ không thể trồng trọt bất cứ loại cây gì khác vì mất chất dinh dưỡng, mất keo đất. Điều này không những làm giảm năng suất của người trồng mà còn gây thiệt hại lâu dài cho cả chủ đất.

Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều diện tích đất trồng mía, cây ăn trái, hoa màu đang chuyển sang trồng mì. Đối với các loại cây ăn trái, hoa màu, vấn đề “giải cứu nông sản”, dù đang tạo ra tiền lệ xấu, vẫn ít nhiều giúp người nông dân gỡ gạc được phần nào. Riêng về cây mía, do hầu như tất cả các hộ nông dân đều được nhà máy bao tiêu thu mua nên an tâm hơn về đầu ra. Nhưng đối với một loại cây công nghiệp như cây mì, người tiêu dùng hoàn toàn không thể tham gia giải cứu. Loại cây trồng từng được kỳ vọng giúp xóa nghèo, đổi đời cho nông dân giờ đây đang rất bấp bênh.

H.T