Nguy cơ Pháp đối mặt với khủng hoảng tài chính
Ngày 14/6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính sau quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải tán Quốc hội (Hạ viện) và kêu gọi tiến hành bầu cử sớm.
Quyết định được Tổng thống Macron công bố ngày 9/6 sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Tổng thống Macron cho biết vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Hạ viện sẽ diễn ra trong ngày 30/6 và vòng 2 vào ngày 7/7.
Trả lời đài phát thanh France Info cho câu hỏi liệu tình hình chính trị hiện nay ở Pháp có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính hay không, Bộ trưởng Le Maire đáp là "có."
Ông viện dẫn việc Pháp đang và sẽ phải chi trả lãi và gốc lớn hơn cho trái phiếu chính phủ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu đang trên đà tăng mạnh.
Theo dữ liệu của LSEG - Công ty thông tin tài chính và sàn giao dịch chứng khoán London (Anh), lợi suất trái phiếu chính phủ của Pháp đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất tính theo tuần, với hơn 20 điểm cơ bản, kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ công làm rung chuyển khu vực Eurozone hồi năm 2011.
Trên các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu của Pháp, các nhà đầu tư đã bán tháo các loại tài sản mà họ nắm giữ sau khi Tổng thống Macron kêu gọi bầu cử sớm.
Quyết định của Tổng thống Macron cũng gây lo lắng cho các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Pháp đã chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 14/6, xô đổ các mốc điểm đạt được từ đầu năm đến nay; thậm chí có lúc chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris giảm 2,4% xuống còn 7.519,78 điểm.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng lực lượng cực hữu ở Pháp, do đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen dẫn dắt, có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây. Khi đó, RN sẽ thúc đẩy chương trình chi tiêu công ở mức cao, theo đó sẽ làm “phình to” hơn nữa mức nợ công của Pháp vốn ở quy mô lớn.
RN hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến. Đảng này chủ trương kêu gọi giảm độ tuổi nghỉ hưu cũng như thúc đẩy chính sách kinh tế "đặt nước Pháp lên trước tiên."
Hôm 31/5, Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ AA xuống còn AA-, với lý do vị thế ngân sách của nước này suy giảm. Cơ quan này cho rằng các chính sách mà RN đang thúc đẩy có thể liên quan đến việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Pháp./.