Nguy cơ độc quyền nguồn Ethanol sẽ đẩy giá xăng E5
Xe máy và taxi mua xăng E5 là chủ yếu | |
Không lo thiếu ethanol cho xăng E5 | |
Hồ sơ công ty duy nhất cung cấp ethanol để pha xăng E5 ở Việt Nam |
Từ đầu năm 2018 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã 2 lần điều chỉnh giá cơ sở xăng dầu. Tại kỳ điều chỉnh ngày 4/1, giá xăng E5RON92 không được điều chỉnh so với kỳ điều hành trước; giá xăng RON95 dù chưa được công bố giá cơ sở nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối vẫn “âm thầm” tăng giá mặt hàng này thêm 810 đồng/lít.
Trong kỳ điều chỉnh tiếp theo (ngày 20/1), liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng E5RON92 tăng 429 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 430 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 448 đồng/lít... Dù liên Bộ vẫn chưa công bố giá cơ sở đối với xăng RON95, nhưng tại các cửa hàng của Petrolimex, giá xăng RON95 được doanh nghiệp điều chỉnh tăng 290 đồng/lít, lên mức 20.990 đồng/lít.
Như vậy, sau 2 kỳ điều chỉnh đầu năm 2018, đã có sự chênh lệch lớn giữa giá xăng E5RON92 và xăng RON95, trong khi xăng RON95 vẫn chưa được công bố giá cơ sở gây nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.
Giá nguyên liệu Ethanol ảnh hưởng rất lớn đến giá thành xăng E5RON92. (Ảnh minh họa: KT) |
Xăng RON95 chưa phổ biến?
Theo lý giải của liên Bộ, xăng dầu có rất nhiều sản phẩm, nhiều mặt hàng cho nên chỉ căn cứ vào những mặt hàng chủ chốt như xăng E5RON92, các mặt hàng dầu... mặt hàng xăng RON95 là chưa phổ biến và liên Bộ sẽ xem xét việc công bố giá cơ sở cho mặt hàng này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, thành viên Tổ giám sát điều hành giá Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đang được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cơ quan nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước; kết hợp với hướng dẫn trích, chi sử dụng Quỹ BOG nhằm góp phần ổn định giá.
Cũng theo ông Tuấn, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2018 là thời điểm thực hiện mục tiêu chuyển giao và thay thế nhiên liệu sinh học đối với nhiên liệu truyền thống (thay thế xăng RON92 bằng E5 RON92). Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán và công bố giá cơ sở đối với xăng E5 RON92; đồng thời giám sát việc điều chỉnh giá xăng RON95 của các doanh nghiệp đầu mối.
Đối với việc chênh lệch lớn về giá giữa xăng RON95 và E5 RON92 sau 2 kỳ điều chỉnh vừa qua, ông Tuấn cho rằng chủ yếu do giá xăng E5 RON92 đang được chi sử dụng Quỹ BOG ở mức 857 đồng/lít (kể từ ngày 4/1 đến nay); trong khi giá xăng RON95 điều hành theo thị trường, không sử dụng Quỹ BOG và điều chỉnh tăng giá theo giá thế giới.
Đồng thời, qua theo dõi giá xăng dầu nửa đầu tháng 1/2018 cho thấy, giá xăng RON95 (mức III đến V) của một số nước trong khu vực có cao hơn giá xăng RON95 của Việt Nam khoảng từ 3.000 - 5.000 đồng/lít, như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia và Philippines.
“Hiện liên Bộ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ, diễn biến cung cầu của xăng RON95 theo các tiêu chuẩn khí thải, xăng E5 RON92 trên thị trường để công bố giá cơ sở phù hợp với tình hình kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong nước”, ông Tuấn cho hay.
Nguy cơ “một mình một chợ”
Nhận định về việc điều hành giá xăng dầu qua 2 kỳ điều chỉnh vừa qua, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, các cơ quan chức năng cũng như Tập đoàn Xăng dầu chỉ công bố giá cơ sở của giá xăng E5RON92, không công bố giá cơ sở xăng RON95 là việc làm phiến diện.
Trong khi thị trường xăng dầu hiện nay chưa có thị trường cạnh tranh thực sự, vẫn còn có những doanh nghiệp giữ vị trí chiếm lĩnh thị trường ví dụ như Petrolimex, PVoil và SaigonPetro chiếm thị phần trên 70%, cho nên nhà nước vẫn phải định giá.
Hơn nữa, xăng dầu là mặt hàng trong diện bình ổn nên đòi hỏi phải được công bố giá cơ sở, đây là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng để xem xét giá bán và giá cơ sở đã hợp lý hay chưa, có bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng hay không.
“Thời điểm này liên Bộ cần phải công bố giá cơ sở mặt hàng xăng RON95, vì hiện tại trên thị trường chỉ còn xăng E5RON92 và RON95, xăng RON95 chiếm thị phần không phải ít (khoảng 30%), đây cũng là mặt hàng trong diện bình ổn giá và nằm trong diện Nhà nước định giá nên bất kì thời điểm nào cũng phải công bố để bảo vệ người tiêu dùng, để người tiêu dùng giám sát”, ông Long cho biết.
Cũng theo PGS.TS. Ngô Trí Long, hiện nay trên thị trường đã chuyển toàn bộ xăng khoáng RON92 sang xăng E5RON92. Tuy Ethanol chỉ chiếm tỷ trọng 5% trong cơ cấu giá xăng E5RON92 nhưng giá nguyên liệu pha trộn này cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành xăng E5RON92.
Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 7 - 8 triệu tấn xăng E5RON92 nên lượng cung cấp Ethanol cũng không phải nhỏ. Chính vì thế, khi nhu cầu Ethanol đang rất lớn, ông Long lo ngại doanh nghiệp cung cấp Ethanol ở trong cảnh “một mình một chợ” sẽ nảy sinh hiện tượng “một mình một giá”. Đây là biểu hiện sự độc quyền, nếu nhà nước không có sự kiểm soát tốt chắc chắn giá Ethanol sẽ tăng, kéo theo giá xăng E5 tăng lên.
Cùng với đó, với chủ trương khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu bảo vệ môi trường mà không khuyến khích về giá, để cho những đơn vị độc quyền cung cấp nguyên liệu đầu vào là Ethanol, E100 với giá như vậy chắc chắn sẽ không bảo vệ người tiêu dùng và không khuyến khích tiêu dùng.
“Các tập đoàn kinh doanh xăng dầu vẫn nói Ethanol chỉ chiếm 5% là không đáng bao nhiêu, nhưng 5% của hàng triệu tấn lại là số lượng rất lớn. Cần phải kiểm soát giá mặt hàng này, đồng thời phải có cơ chế phù hợp để tránh việc doanh nghiệp có cơ hội tăng giá nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng”, PGS.TS. Ngô Trí Long nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây đã có ý kiến yêu cầu liên Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ xăng E5RON92, RON 95 tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4,... trong Quý I/2018 để công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và theo quy định của pháp luật. |