|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận Mỹ- Trung?

09:02 | 16/02/2020
Chia sẻ
Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng dịch cúm COVID-19 khiến Trung Quốc khó thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận này.

Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.

Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận Mỹ- Trung? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng . Nguồn AFP

Thỏa thuận bị ngưng đọng

Dịch cúm Covid-19 bùng phát, khiến các “đầu não” kinh tế của Trung Quốc bị phong tỏa, con đường giao thương quốc tế cũng hoạt động dè dặt, làm giảm khả năng thực thi các điều khoản của Bắc Kinh trong việc mua số lượng hàng hóa, dịch vụ nói trên.

Một động thái bất ngờ là giữa tâm dịch, Uỷ ban thuế Trung Quốc vừa quyết định giảm một nửa thuế trừng phạt đánh vào 1.717 mặt hàng từ Mỹ, có quy mô khoảng 75 tỷ USD. 

Thuế sẽ được cắt giảm từ 10% xuống còn 5%, và 5% xuống 2,5%, có hiệu lực từ ngày 14/2/2020. Động thái này của Trung Quốc được cho là “xoa dịu” căng thẳng thương mại với Mỹ trong bối cảnh khó thực hiện được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Đến thời điểm hiện tại, chưa ai dám chắc mốc thời gian dịch COVID-19 bị khống chế, do vậy các chương trình ngoại giao của Bắc Kinh cũng tạm hoãn, lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế đến Trung Quốc cũng kéo theo các hoạt động đàm phán thương mại Mỹ- Trung bị ngưng trệ.

Đáng chú ý trong Thỏa thuận giai đoạn 1 có điều khoản quy định: “Khi xảy ra thiên tai hoặc một sự kiện không lường trước vượt ngoài tầm kiểm soát của các bên, thì bên còn lại phải trì hoãn việc tuân thủ kịp thời các nghĩa vụ theo thỏa thuận”.

Từ điều khoản “cứng” nói trên, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng dịch cúm COVID-19 để kéo dài việc thực hiện cam kết mua hàng hóa nông sản và dịch vụ từ Mỹ, đồng thời đợi chờ diễn biến bầu cử Mỹ và đưa ra các quyết sách sau năm 2020.

Các chương trình ngoại giao của Trung Quốc đã và đang bị tạm hoãn. Điều này cộng với lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế đến Trung Quốc kéo theo các hoạt động đàm phán thương mại Mỹ- Trung bị ngưng trệ.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không thể thực hiện các cam kết vẫn có thể phải đối mặt với sự phản đối từ phía Mỹ và điều đó có khả năng kéo các nước trở lại quan hệ căng thẳng như trước đây.

Mỹ sẽ gây sức ép?

Bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến, đảng Dân chủ sẽ đề cử ứng viên tranh cử vào tháng 7 này, mọi thứ có thể xảy ra và không loại trừ Mỹ sẽ có Tổng thống “thân thiện” với Trung Quốc! Liệu ông Trump đủ kiên nhẫn chờ đợi Bắc Kinh thu xếp các vấn đề nội bộ trước khi tiếp tục bàn về “giai đoạn 2”?.

Trên thực tế, Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa hoàn toàn không muốn dây dưa trong vấn đề thương mại, vấn đề ở chỗ Trump cần một chiến thắng vang dội hơn để tăng tỷ lệ ủng hộ trong giai đoạn cực kỳ “nhạy cảm” này.

Từ kịch bản đó, không chỉ thỏa thuận thương mại có nguy cơ rơi vào bất định mà mối quan hệ Mỹ - Trung có thể mâu thuẫn sâu sắc hơn. Chỉ riêng tại đợt dịch này, Mỹ-Trung đã công khai chỉ trích nhau vì các hoạt động cứu trợ, thông tin không làm hài lòng cả hai phía.

Lợi thế lúc này nghiêng hẳn về Washington, nhiều chuyên gia cho rằng họ có thể “đục nước thả câu”, ép Trung Quốc vào thế khó để giành ưu thế chiến lược lâu dài hơn. Tuy vậy trong Thông điệp Liên bang năm 2020, ông Trump không hề nhắc đến Trung Quốc.

Theo một phân tích từ Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể mất 0,4 điểm phần trăm trong qúy I/2020 do dịch COVID-19 vượt qua cả “món hời” của thỏa thuận thương mại mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được. 

Vậy nên, cố chấp thực thi cam kết trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, hay tập trung chống dịch là những nhiệm vụ mà Mỹ và Trung Quốc đều phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Trương Khắc Trà