|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nguồn vốn quan trọng cho nhà ở xã hội

08:02 | 19/11/2024
Chia sẻ
Ngoài vốn vay từ ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội, các chuyên gia cho rằng còn một nguồn vốn quan trọng khác mà nếu các địa phương tích cực thực hiện sẽ đẩy nhanh được hiệu quả đề án tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

 Một dự án nhà ở xã hội tại Biên Hòa, Đồng Nai đang được xây dựng. (Ảnh: Hải Quân).

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết đến nay đã có 79 dự án đã hoàn thành với số lượng hơn 42.400 căn, tương đương 4% kế hoạch); 131 dự án đã được khởi công xây dựng, tương đương gần 111.690 căn; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tương đương hơn 411.000 căn.

Tính đến hết quý III, số tiền giải ngân từ gói 120.000 tỷ cho vay NOXH là 1.783 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án đã ký hợp đồng tín dụng với tổng hạn mức cam kết giải ngân là 4.200 tỷ, dư nợ là 1.633 tỷ; cho vay người mua nhà có dư nợ 150 tỷ tại 12 dự án.

 

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, cho biết khi Nghị định 100 có hiệu lực, Ngân hàng chính sách xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo các sở ban ngành triển khai thực hiện, rà soát đối tượng cho vay; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã xác nhận kịp thời đúng đối tượng và đủ điều kiện để cho vay.

Kết quả đến nay tỉnh Tây Ninh cho vay với con số rất hạn chế: Dư nợ 121 tỷ đồng đối với 328 khách hàng, trong đó cho vay mua và thuê mua chỉ có 48 khách hàng với dư nợ 21 tỷ đồng. Lý do là trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất một dự án, đối tượng cho vay hầu hết là vay mới và sửa chữa.

Ông Tuấn cho biết thêm trong quá trình triển khai thực hiện có rất nhiều khó khăn, điển hình là nguồn vốn. Ngân hàng chính sách xã hội trực thuộc Chính phủ, vốn được Chính phủ cấp, khác với ngân hàng thương mại có thể tự huy động vốn để cho vay.

"Vốn được cấp đến đâu chúng tôi thực hiện đến đó, riêng năm 2024 Ngân hàng chính sách xã hội Tây Ninh không được cấp vốn mà chúng tôi quay vòng, tức thu hồi vốn về và cho vay lại.

Nguồn vốn ủy thác tại địa phương là một nguồn vốn cực kỳ quan trọng. Tây Ninh có 539 tỷ vốn ủy thác địa phương nhưng đối với chương trình NOXH chưa được ủy thác để cho vay. Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị với UBND tỉnh để có nguồn vốn này để cho vay tại địa phương", ông Tuấn nói.

Đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Tây Ninh đang thực hiện tương tự như các gói tín dụng trước đây, rà soát lại tất cả các đối tượng để khi có vốn sẽ giải ngân ngay cho các đối tượng đủ điều kiện vay.

Liên quan đến mức lãi suất cho vay 6,6%/năm, ông Tuấn lý giải lãi suất cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định, bằng mức cho vay đối với hộ nghèo - đối tượng thấp nhất - của Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai thực hiện.

Trong khi đó, đối tượng cho vay NOXH không chỉ có hộ nghèo mà còn có đối tượng khác. Nếu cho vay với lãi suất 4,8% thì không công bằng với các đối tượng thụ hưởng nên phải chia sẻ với Chính phủ trong việc cấp bù lãi suất.

Ông Phan Đức Hiếu,Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khoá XV, cũng cho rằng vốn từ địa phương cho vay ủy thác bây giờ là quan trọng nhất. Nếu địa phương nào hiểu được vấn đề tích cực, cấp vốn cho vay ủy thác thì chương trình xây dựng tối thiểu 1 triệu căn NOXH sẽ hiệu quả hơn.

"Đây là thực hiện nhiệm vụ chứ không gọi là hỗ trợ ngân hàng. Chính phủ giao chỉ tiêu các địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Hiếu nói.

Theo ông Trần Hoàng Nam, Trưởng Khoa Bất động sản, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, các văn bản hướng dẫn thi hành sau ba bộ luật đã giải quyết được khá nhiều vấn đề tồn đọng trước đây, liên quan đến việc mua hoặc thuê NOXH.

Giá bán NOXH được quy định rõ về công thức tính tại Nghị định 100 năm 2024 của Chính phủ đã rất hợp lý nhưng nếu so với thu nhập trung bình của người dân thì vẫn còn cao. Theo Tổ chức dân cư Liên hợp quốc, tỷ lệ giữa tổng thu nhập của một hộ gia đình và giá nhà là 5 lần, có nghĩa là một hộ gia đình dành toàn bộ thu nhập trong một năm, không chi tiêu thì khoảng 5 năm họ có thể mua được nhà. Với tỷ lệ này, nếu một gia đình có thể tiết kiệm 20-25% trên tổng thu nhập mỗi năm thì có thể mua nhà trong vòng 20 - 25 năm.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại Việt Nam đang cao hơn mức khuyến nghị của Liên hợp quốc. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này khoảng 3,9; các nước nghèo 7,8.

Bên cạnh đó, lãi suất 6,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn 5 năm và 6,6%/năm đối với khoản vay dài hạn đang rất hấp dẫn với người mua nhà nhưng đối với một số nhóm đối tượng như giáo viên ở các tỉnh thì mức này vẫn đang khá cao so với thu nhập.

Ngoài ra, ông Nam cho rằng việc doanh nghiệp lựa chọn vị trí để xây NOXH cũng là vấn đề quan trọng. "Khách hàng mua một căn NOXH không chỉ mua không gian bên trong mà họ mua cả hệ sinh thái để ổn định cuộc sống. Nếu dự án NOXH ở những vị trí không thuận lợi, kết nối giao không tốt, hạ tầng xã hội, giáo dục không tốt… thì không hút được người mua. Nhiều NOXH xây xong không có người ở là minh chứng điển hình", ông Nam lưu ý. 

 

Hồng Vịnh