|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi Tết Ất Tỵ có thể tăng không quá mạnh dù nhu cầu cao hơn 15% ngày thường

08:04 | 19/11/2024
Chia sẻ
Theo nhận định của chuyên gia giá heo hơi dịp Tết Ất Tỵ có thể không tăng quá mạnh, trừ trường hợp dịch bệnh xảy ra. Nguyên nhân là lượng đàn heo nái không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão Yagi, đảm bảo con giống cho tái đàn.

Giá heo hơi trên đà phục hồi 

Giá heo hơi đang trên đà phục hồi từ mức thấp nhất kể từ tháng 5, thiết lập hồi đầu tháng 11 trong bối cảnh thị trường đang bước vào những tháng cận Tết. Theo đó, giá heo hơi trung bình cả nước tính đến ngày 18/11 khoảng 63.000 đồng/kg, tăng 5% so với vơi đầu tháng 11.

Bộ Công Thương cho biết trong quý III, chăn nuôi heo vẫn tăng trưởng nhưng hậu quả từ cơn bão số 3 vừa qua tại miền Bắc và dịch tả heo Châu Phi khiến nhiều chuồng trại bị hư hỏng, thiệt hại về lứa heo chuẩn bị cho Tết.

“Để đảm bảo cân đối nguồn cung cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt heo sẽ phải tăng thêm từ 10 đến 15%”, Bộ Công Thương nhận định.

 

 Nguồn: Anovafeed (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nhu cầu heo thời điểm trước Tết một tháng thường tăng mạnh nhất. Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân hàng ngày, lượng heo cần dùng cho hoạt động chế biến các sản phẩm phục vụ cho Tết của các doanh nghiệp như giò, chả, xúc xích,…tăng mạnh. Dự kiến nhu cầu sẽ trong dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10 - 15%.

Ông cho hay hiện tại, việc tái đàn và chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn vẫn đang ổn định. Còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi vừa rồi bắt đầu “chạy đua” với thời gian để tái đàn kịp cho dịp Tết.  

“Vừa rồi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để trống chuồng nhiều nên nhu cầu tái đàn cao. Đáng lẽ, nếu tái đàn cho dịp Tết, người chăn nuôi phải bắt đầu từ tháng 8,9 nhưng do bị ảnh hưởng bởi bão, nhiều hộ phải nuôi lại từ đầu và lùi đến thời điểm tháng 10, 11”, ông Trọng nói.

Hiện sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 -40%, sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đã chiếm tới 60 -65%. 

Tuy nhiên, theo ông, giá heo hơi dịp Tết sẽ không tăng quá mạnh, trừ trường hợp dịch bệnh xảy ra, do lượng đàn heo nái không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão Yagi, đảm bảo con giống cho tái đàn.

“Theo khảo sát của tôi đối với một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành, đàn heo nái không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão Yagi. Do đó, nguồn cung giống trong thời gian tới sẽ không đáng ngại”, ông Trọng nói.

Thông thường, từ lúc nuôi heo giống đến lúc xuất chuồng sẽ mất khoảng 5 - 6 tháng để heo đủ trọng lượng tiêu chuẩn 100 kg. Tuy nhiên, theo ông nếu trường hợp giá dịp Tết tăng đột biến, người dân có thể xuất heo sớm (4 tháng tương ứng khoảng 80kg). Khi đó nguồn cung sẽ được bổ sung làm hạ nhiệt giá. 

Ở mức giá hiện tại, người chăn nuôi đã có lãi bởi giá thành sản xuất của doanh nghiệp là 50.000 đồng/kg còn hộ chăn nuôi là 55.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng xu hướng đa dạng hoá sang các thực phẩm khác, thay vì tập trung quá nhiều vào thịt heo như trước đây sẽ khiến áp lực từ nhu cầu đối với giá cũng giảm bớt. 

Cẩn trọng việc tái đàn

Các hộ nhỏ lẻ đang trong cuộc đua để tăng đàn, tận dụng dịp Tết. Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Cục thú y, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng xảy ra dịch không nên tái đàn bằng mọi giá, vì mầm bệnh vẫn tiềm ẩn, nguy cơ thiệt hại cao.

Trước đó, hồi tháng 7, Thủ tướng ban hành chỉ thị  yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh tại các địa phương vẫn chưa hiệu quả. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến tháng 7, cả nước xuất hiện 1.452 ổ dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố. Số heo bị buộc tiêu huỷ là hơn 81.000 con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cơn bão số 3, 4 và 6 đã gây thiệt hại nặng nề đến ngành nông nghiệp. Dịch tả heo Châu Phi và mưa ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi, nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng nhất là vào dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ. 

Do đó, ngày 6/11, Thủ tướng tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các địa phương và Bộ ngành thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tả Châu Phi. Trong đó, các ổ dịch cần được xử lý dứt điểm, không để phát sinh các ổ dịch mới. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.