Nguồn cung thiếu hụt, giá cao su có thể bứt lên trong quý II?
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết nửa cuối tháng 4, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á có xu hướng phục hồi nhẹ do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/4, đạt 208 Yên/kg, sau đó giảm trở lại nhưng so với cuối tháng trước giá vẫn tăng nhẹ. Ngày 28/4, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 206,1 Yên/ kg (tương đương 1,52 USD/kg), tăng 0,5% so với cuối tháng 3 nhưng vẫn giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su cũng tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 20/4 (đạt 11.880 Nhân dân tệ/tấn), sau đó giảm trở lại. Ngày 28/4, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.625 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,71 USD/kg), giảm 2% so với cuối tháng 3 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 53,29 Baht/kg vào ngày 28/4 (tương đương 1,56 USD/kg), tăng 1% so với cuối tháng 3 nhưng vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó trong quý I, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á biến động mạnh. Sau khi tăng mạnh trong tháng 1, giá cao su có xu hướng giảm trở lại trong tháng 2, tháng 3 do những các cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và EU phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu, làm dấy lên lo ngại nhu cầu cao su trong sản xuất và tiêu dùng giảm, gây áp lực lên giá sản phẩm.
Ngoài ra, các hoạt động sản xuất tại các nước tiêu thụ cao su lớn như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thực sự hồi phục khiến xu hướng giá cao su trên thị trường chưa ổn định.
Ở chiều ngược lại, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động trong quý I. Diễn biến giá cao su trong nước cùng chiều với xu hướng giá thế giới, tuy nhiên xu hướng giá yếu hơn khá nhiều so với giá niêm yết trên các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Trong khi đó, giá năng lượng tăng kéo theo chi phí logistics tăng cũng là một yếu tố gây sức ép lên xuất khẩu cao su giai đoạn đầu năm.
Trong tháng 4, giá mủ nước tại Bình Phước và Đồng Nai giữ ở mức 270-280 đồng/TSC; Tại Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Trị giao dịch ở mức 250 đồng/TSC; còn ở các vùng nguyên liệu khác, giá cao su ghi nhận trong khoảng 225 – 240 đồng/TSC.
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết trong năm 2023, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự báo đạt khoảng 14,916 triệu tấn, tiêu thụ dự kiến đạt 14,912 triệu tấn.
Các dữ liệu đều cho thấy cán cân cung - cầu trên thị trường cao su thế giới nhiều khả năng sẽ nghiêng về thiếu hụt nguồn cung. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng cho giá cao su ngay trong quý II.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian để ổn định trở lại sau cú sốc của ngành ngân hàng hồi tháng 3. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chưa thực sự hồi phục như dự đoán. Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng giá cao su thế giới vẫn sẽ phải đối mặt những sức ép nhất định.