Cao su Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh với hàng Thái Lan, Indonesia tại thị trường Hàn Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết 2 tháng đầu năm, Hàn Quốc nhập khẩu 85.000 tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), tương đương 163 triệu USD, không biến động nhiều về lượng nhưng giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc. Trừ Thái Lan và Việt Nam, nhập khẩu cao su của Hàn Quốc từ các thị trường này đều tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
2 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 4.700 tấn, tương đương 7,3 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 52% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là cao su tự nhiên, trong đó chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất, chiếm 39,35% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR 10 chiếm 29,83% và SVR 3L chiếm 22,01% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023.
Thị phần cao su Việt Nam chiếm 5,5% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, giảm so với mức 9,8% của 2 tháng đầu năm 2022.
Qua số liệu cho thấy, tại thị trường Hàn Quốc, thị phần cao su của Việt Nam bị thu hẹp, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Singapore… lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
“Tại thị trường Hàn Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan và Indonesia. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường của Hàn Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.