|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng năng lực cạnh tranh cho cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế

23:40 | 28/03/2023
Chia sẻ
Theo VRA, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách.

Chiều 28/3, tại TP HCM đã diễn ra Đại hội Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhiệm kỳ VI (2023-2028). Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử chức Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Theo VRA, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Những điều này gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su cũng như các doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.

Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác, do vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Ngoài ra, cơ chế chính sách chưa đồng bộ cũng gây khó khăn cho ngành và doanh nghiệp. Một số chính sách thuế gây vướng mắc cho doanh nghiệp cao su như chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại và xuất khẩu, thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây thanh lý chưa được hưởng chính sách như thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt.

Hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ trên cả nước và chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Mặt khác, Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào. Vì vậy chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy sơ chế mủ cao su.

Trong khi đó, theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, sẽ khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên chọn nguồn nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh với nguồn cao su trong nước.

Ngành công nghiệp chế biến thành phẩm cao su còn gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả. Hiện vẫn còn thiếu hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước.

Dù có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên lãnh đạo VRA cũng nhận định ngành cao su cũng có không ít thuận lợi trong thời gian tới. Từ các dữ liệu thống kê quốc tế, VRA dự báo nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tục. Sự chênh lệch cung cầu sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su thiên nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho vùng nông thôn và các ngành công nghiệp liên quan.

Bên cạnh đó, ngành cao su cũng có nhiều thuận lợi khi được Nhà nước công nhận là cây đa mục tiêu, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, vừa cải thiện điều kiện kinh tế xã hội cho vùng nông thôn; đồng thời phủ xanh đất trống, rừng nghèo để góp phần bảo vệ môi trường.

Dưới bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp trong nước cũng đã tích cực thực hiện chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nâng cao tỷ lệ sử dụng cao su nội địa cho việc sản xuất sản phẩm cao su có giá trị xuất khẩu cao, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su. Ngoài ra, các vườn cao su trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn quy định của ngành.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành cao su Việt Nam nói chung và VRA đã đạt được trong thời gian qua, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn thách thức, Hiệp hội Cao su Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò đại diện, xem việc hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển hướng bền vững của ngành trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trước xu hướng chuyển dịch hướng tới sản xuất có trách nhiệm, phát triển bền vững ngày càng trở nên mạnh mẽ, ngành cao su Việt Nam phải chú trọng việc nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới trên cơ sở đảm bảo chất lượng theo chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, ngành cao su phải được thực hiện thống nhất về quản lý chất lượng trên phạm vi cả nước, tăng cường áp dụng kỹ thuật tiến bộ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo yêu cầu thị trường, mở rộng đầu tư chế biến sâu, từng bước hình thành ngành công nghiệp cao su phụ trợ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại ngành cao su theo chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.  

Xuân Anh – H.Chung