Nguồn cung cá tra có thể thiếu hụt trong quý III và IV
Cầu yếu, lạm phát gia tăng khiến xuất khẩu cá tra giảm sâu
Quý đầu tiên của năm 2023 đánh dấu mức giảm sâu của ngành thuỷ sản nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 3 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 23% xuống khoảng 207 triệu USD.
Tính chung trong quý I, xuất khẩu cá tra giảm sâu 32% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 447 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới thời gian qua làm cho khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các nhà nhập khẩu trở nên eo hẹp và họ không đủ khả đủ tiền để nhập những đơn hàng lớn. Tác động này còn lan sang cả Canada và EU.
Mặt hàng cá tra từng được đánh giá là ít có đối thủ cạnh tranh nhưng tình hình hiện nay cũng đã khác. Trong vòng một năm qua, khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ, giá cá tuyết và cá minh thái giảm sâu xuống mức thấp nhất lịch sử và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với cá tra Việt Nam.
Đặc biệt là tại Trung Quốc, khi cá tuyết và cá minh thái của Nga bị Mỹ cấm vận đã chuyển hướng sang thị trường với giá rẻ, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam.
Hoạt động nuôi cá rô phi Trung Quốc cũng dần phục hồi sau đại dịch và cũng trở thành đối trọng với mặt hàng cá tra của Việt Nam. Mặt hàng này càng có lợi thế hơn khi Trung Quốc khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội địa.
Nguồn cung có thể thiếu hụt trong quý III và IV
Tín hiệu tích cực của ngành cá tra đã dần xuất hiện khi nguồn cung được dự báo sẽ thiếu hụt trong quý III và IV trong khi các tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu đang cạn dần.
Trao đổi với người viết bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký VASEP cho biết qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho thấy quý III và IV có thể thiếu cá nguyên liệu cục bộ do giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, tỷ lệ chết nhiều. Trong khi trước đó, do tình hình thị trường khó khăn nên doanh nghiệp đã giải phóng bớt lượng hàng tồn kho giá cao để đảm bảo dòng tiền và hiện hàng chỉ còn đủ dùng đến quý II.
Theo số liệu trên trang Undercurrent News, giá cá tra giống cỡ 30 con/kg trong những tháng đầu năm khoảng 44.000 đồng/kg, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân của đợt tăng giá này đến từ nhu cầu thả cho vụ mới tăng trong khi nguồn cung cá giống hạn hẹp do dịch bệnh.
“Con giống được xem là “xương sống” của ngành cá tra nhưng nhiều năm qua vẫn chưa còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết. Việc sản xuất con giống chủ yếu là manh mún, tự phát, không theo một quy chuẩn cụ thể nào. Số lượng giống bố mẹ cũng không đủ đáp ứng nhu cầu”, bà Lan nói.
Giá con giống và thức ăn nuôi thuỷ sản tăng trong khi giá cá nguyên liệu giảm. Tính đến thời điểm đầu tháng 4, giá cá tra nguyên liệu khoảng 27.000 đồng/kg sau khi chạm mốc gần 31.000 đồng/kg hồi tháng 2 nhờ kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu mặt hàng này.
Đại diện VASEP cho biết với giá cá giống hiện tại kèm theo giá thức ăn vẫn neo ở mức cao, các doanh nghiệp nuôi “khéo” thì chỉ lãi nhẹ, còn lại thua lỗ. Hiện tại, 75% nguồn cung cá nguyên liệu đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, phần còn lại là các hộ nhỏ lẻ.
“Dự kiến sản lượng cá năm nay khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm so với con số 1,7 triệu tấn của năm ngoái”, bà Lan dự báo.
Xét đến khía cạnh nhu cầu, các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng. Năm ngoái họ mua hàng nhiều bởi lo sợ có thể xảy ra những đợt đứt gãy nguồn cung lần nữa. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ không được như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi lạm phát khiến hàng tồn kho tăng lên.
Do đó, thời điểm này các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng, giảm giá để xả kho, chuẩn bị cho các đợt hàng mới.
“Hiện hàng tồn kho bên Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng của họ sẽ quay trở lại”, bà cho biết.
Bà khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội bán hàng với giá rẻ mà chờ đợi đến quý III và quý IV để có giá tốt hơn.
Ngoài ra, việc thị trường Trung Quốc tiếp tục đem lại kỳ vọng đối với ngành.Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng 26% đã phản ánh xu thế tất yếu của thị trường sau khi dỡ bỏ chính sách zero Covid. Tính đến hết tháng 2, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 73 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, do giảm mạnh trong tháng 1.
“Các doanh nghiệp nên cố gắng “cầm cự”, không nên bán giá rẻ vào lúc này. Trong quý II, giá cá tra nguyên liệu có thể tiếp tục xu hướng giảm giảm, những doanh nghiệp nào đủ tiền và lãi suất tốt sẽ gom hàng dần để chờ thời điểm quý III và IV khi giá xuất khẩu tăng lên thì bán ra”, bà nói.