|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung cà phê châu Á giảm, mức trừ lùi cà phê Việt Nam nới rộng

13:00 | 30/09/2016
Chia sẻ
Mức trừ lùi cà phê Việt Nam nới rộng lên 25-30 USD/tấn, trong khi xuất khẩu cà phê trong tháng 9 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Mức trừ lùi của cà phê Việt Nam hôm 29/9 tăng nhẹ, với khối lượng xuất khẩu trong tháng 9 ở mức thấp nhất 7 tháng do lượng cà phê lưu kho giảm trước khi vào vụ thu hoạch mới. Nguồn cung cà phê của Indonesia cũng giảm.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, trong tháng 9/2016 ước đạt khoảng 120.000 tấn, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức 119.000 tấn theo dự báo của thị trường.

Một thương nhân tại công ty nước ngoài ở TP.HCM cho biết, lượng cà phê lưu kho của Việt Nam đang giảm trong khi tồn kho tại Indonesia cũng không nhiều.

Nông dân cà phê tại Việt Nam có thể chưa vội bán ra khi cho rằng sản lượng vụ thu hoạch thấp hơn và vụ cao điểm bị chậm trễ. Sẽ không có áp lực bán ra, do vậy, giá cà phê sẽ ổn định vào thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch mới.

Niên vụ cà phê 2016-2017 của Việt Nam bắt đầu vào thứ Bảy 1/10, thời điểm thu hoạch bắt đầu vào cuối tháng 10 và cao điểm vào tháng 12 - muộn hơn 2 tuần so với thường lệ.

Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017 giảm 20-25% do hạn hán. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Reuters hồi tháng 7/2016 cho thấy, sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2016-2017 đạt 26,5 triệu bao, giảm gần 4% so với 27,5 triệu bao niên vụ 2015-2016, theo ước tính của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO).

Sau khi xuất khẩu 1,74 triệu tấn cà phê, mức cao kỷ lục, giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016, Việt Nam có thể vẫn còn khoảng 300.000 tấn cà phê lưu kho chuyển sang vụ mới, theo ước tính của giới thương nhân, giảm so với 480.000 tấn đầu niên vụ 2015-2016.

Cà phê robusta Việt Nam loại 2 có mức trừ lùi 25-30 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11 trên sàn ICE London, nới rộng so với mức trừ lùi 10-20 USD hôm 22/9.

Cà phê loại 1 (R1) tương tự cà phê Sumatra, được chào bán với mức cộng 25-30 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11 trên sàn London.

Cà phê robusta loại 4, 80% hạt khiếm khuyết của Indonesia đang chào bán ngang hoặc với mức cộng 5 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11, so với mức trừ 15-20 USD/tấn tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Lampung, vùng trồng cà phê chủ chốt của đảo Sumatra, cho biết, nguồn cung đã bắt đầu giảm do vụ thu hoạch kết thúc.

Việt Nam và Indonesia cùng nhau chiếm khoảng 28% tổng sản lượng lượng cà phê thế giới.

Mạnh Đức