|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người Việt mua sắm trực tuyến nhưng lại trả tiền mặt

11:33 | 15/01/2019
Chia sẻ
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết tại Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người Việt khi mua sắm trực tuyến, với 80% người được hỏi sử dụng hình thức thanh toán COD (trả tiền khi nhận hàng).

Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính của người Việt

Phát biểu tại hội thảo “Hướng đến một xã hội không dung tiền mặt”, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho biết theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người Việt khi mua sắm trực tuyến.

Kết quả khảo sát cho thấy, 80% người được hỏi cho biết sử dụng hình thức thanh toán COD - trả tiền khi nhận hàng.

nguoi viet mua sam truc tuyen nhung lai tra tien mat
hội thảo “Hướng đến một xã hội không dung tiền mặt sáng 15/1. (ảnh: TH).

Theo ông Phát, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần hoàn thiện hành lang pháp lý, kiến tạo các hệ sinh thái cho thanh toán số. Đồng thời, NHNN cần xây dựng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, an toàn, xây dựng các chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng.

Ông Phát cho rằng, vẫn còn khá nhiều rào cản liên quan đến chi phí đầu tư công nghệ, chi phí trả cho ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, thuế.

Bên cạnh đó, ông Thomas William Tobin, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) cho rằng, với việc lớn mạnh của phương thức thanh toán mới, ngân hàng cần chú trọng giải thích để khách hàng hiểu đây là phương thức an toàn hơn phương thức đưa thẻ quẹt như hiện nay. Nếu họ đã dùng và quen với phương thức mới thì họ sẽ không muốn quay lại với việc quẹt thẻ và ký hai lần như hiện nay.

Hơn 290.000 máy POS, 101 triệu thẻ ngân hàng

Tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết tính đến ngày 30/9/2018, cả nước có 18.170 điểm ATM, tăng 4% so với cuối năm 2016; POS đạt 294.500, tăng 11,8% so với cuối năm 2016. Số lượng thẻ tăng đạt khoảng 101 triệu thẻ.

Theo ông Dũng, thực tế thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công hiện có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương 80% cán bộ, công chức,viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng.

Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân, tăng 9,1% so với cuối năm 2016.

Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.

Đồng thời, có 76 ngân hàng cung ứng dịch vụ Internet Banking và 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động. 26 tổ chức được NHNN cấp phép trung gian thanh toán trong đó 23 tổ chức cung ứng ví điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại. Nguyên nhân là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Cơ sở hạ tầng thanh toán tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa tới được khu vực nông thôn.

Ông Dũng cho rằng, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới được thiết kế phù hợp với hành vi, nhu cầu người sử dụng , đặc biệt là ở khu vực nông thôn. NHNN cần tăng cường sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.

Xem thêm

Thu Hà

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.