Người tiêu dùng hưởng lợi gì từ hệ sinh thái bán lẻ của Masan?
Tăng tốc tích hợp từ offline đến online
Báo cáo về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google, Bain và Temasek cho thấy xu hướng mua sắm các sản phẩm nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử của người tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong những năm qua.
Cụ thể, tỷ trọng của ngành hàng này trong tổng giá trị hàng hóa được mua sắm online đã tăng từ mức 4% vào năm 2015 lên mức 11% vào năm 2020. Con số này dự kiến sẽ đạt mức 15% vào năm 2025.
Nắm bắt xu hướng này, tháng 5/2021, Tập đoàn Masan công bố hợp tác với tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia thông qua việc tiếp nhận khoản đầu tư 400 triệu USD đầu tư vào The CrownX – đơn vị nắm giữ vốn và vận hành mảng bán lẻ VinCommerce (VCM) và tiêu dùng Masan Consumer Holdings (MCH) của Masan. The CrownX đã vạch ra những chiến lược cụ thể để xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ tích hợp Offline to Online (O2O).
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết, ưu tiên hàng đầu của The CrownX trong 12 -18 tháng tới là đẩy nhanh các kế hoạch cộng hưởng như nhãn hàng riêng, mô hình nhượng quyền và phân tích dữ liệu người dùng để đưa ra các sản phẩm mới có tính đột phá.
VinMart/VinMart+ sẽ trở thành điểm đến 'tất cả trong một' phục vụ nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí, chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Cụ thể, The CrownX là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife) và dịch vụ tài chính (TCB) liên kết và hợp lực để tạo ra nền tảng kinh doanh thông suốt.
Những 'mảnh ghép' chiến lược để hiện thực việc chuyển hóa The CrownX thành nền tảng Point of Life xuyên suốt O2O đang dần hoàn thiện.
Với mô hình kết hợp giữa kênh mua sắm offline và online, khách hàng có thể tìm thông tin về sản phẩm qua kênh online, rồi đến cửa hàng để tận cửa hàng mắt quan sát, lựa chọn và mua sản phẩm.
Ông Phan Lê Thành Long, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - cho biết mục tiêu của nền tảng 'tất cả trong một' - Point of Life - là xây dựng hệ thống tiêu dùng phục vụ toàn bộ 96 triệu dân đang có mức thu nhập tăng trưởng tốt tại Việt Nam.
Để làm được điều này, yếu tố đầu tiên hệ thống bán lẻ tương lai của Masan cần có là mô hình O2O. Cụ thể, Alibaba – đơn vị đã đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á và có nhiều kinh nghiệm trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ tại Trung Quốc – sẽ là đối tác hỗ trợ Masan trong việc hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là ứng dụng công nghệ và khả năng thấu hiểu. Theo đó, hệ sinh thái bán lẻ tương lai sẽ bao gồm bán lẻ O2O, kết hợp với các siêu ứng dụng am hiểu người dùng như VinID,.. và sản phẩm tài chính kèm theo.
"Hệ sinh thái này sẽ có năng lực siêu cạnh tranh để Masan có thể thể đạt được mục tiêu Point of Life" - ông Long nói.
Người tiêu dùng được hưởng lợi gì?
Về lợi ích hệ sinh thái bán lẻ mang lại cho khách hàng, ông Danny Le cho biết VCM và Lazada sẽ trở thành đối tác chiến lược về bán lẻ nhu yếu phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, hai bên sẽ dành nguồn lực và ưu đãi đặc biệt để cùng xây dựng cửa hàng VinMart trên sàn LazMall lớn mạnh, đạt mục tiêu đóng góp ít nhất 5% vào tổng giá trị hàng hóa bán lẻ của VinCommerce ở tất cả các kênh sau 3 năm.
Lợi thế của The CrownX là sở hữu mạng lưới cửa hàng bán lẻ (offline) rộng khắp cả nước và đã được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Vì vậy, khi triển khai sang kênh online, Masan hướng tới tận dụng tối đa việc tích hợp hai kênh, thay vì xây dựng online thành một kênh riêng.
Với mô hình này, doanh nghiệp vừa cung cấp nhiều sự lựa chọn cho khách, vừa có khả năng quản lý chi phí hiệu quả nhờ việc trực tiếp xử lý đơn hàng tại cửa hàng..
Cụ thể, việc kết hợp đơn hàng của hai kênh giúp hệ thống bản lẻ mới của Masan giảm biến động về sức bán hàng, qua đó quản lý tồn kho và hỏng hủy hiệu quả. Ngoài ra, mạng lưới rộng cũng giúp giảm khoảng cách và đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng.
"Chúng tôi có chiến lược về hàng hóa, có quy mô lớn để có thể đàm phán mua được hàng từ nhà cung cấp với giá tốt hơn, có sản phẩm tự sản xuất, có mô hình bán lẻ tích hợp offline to online.
Đây là mô hình 'win – win' để nhà bán lẻ bán hàng hiệu quả hơn, người mua hàng có trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm được 5-10% chi phí mua sắm với các sản phẩm thiết yếu nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong mua sắm nhu yếu phẩm." - ông Danny Le cho biết.