|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người Mỹ đang lãi đậm từ đầu tư, Fed có thể sẽ phải đau đầu

10:27 | 07/06/2024
Chia sẻ
Sự bùng nổ của nền kinh tế và sự gia tăng của tài sản hộ gia đình giúp cho một bộ phận người tiêu dùng Mỹ có thể thoải mái chi tiêu mà không quan tâm đến lạm phát.

(Hình minh họa: Bloomberg). 

Lãi suất cao đang kích thích nền kinh tế?

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong ba tháng đầu năm 2024, người Mỹ kiếm được khoảng 3.700 tỷ USD từ tiền lãi và cổ tức, tính theo số liệu được chuẩn hóa theo năm và điều chỉnh cho yếu tố mùa vụ. Con số này cao hơn khoảng 770 tỷ USD so với 4 năm trước.

Trong quý cuối cùng của năm 2023, tài sản của các hộ gia đình trong cổ phiếu, bất động sản và những tài sản khác như tài khoản hưu trí đã leo lên mức cao nhất kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu thu thập số liệu.

Sự gia tăng của thu nhập đầu tư và tài sản hộ gia đình đã giúp hàng triệu người Mỹ có thể thoải mái mua sắm dù giá cả gia tăng. Dĩ nhiên, thị trường lao động mạnh mẽ cũng đóng vai trò tích cực.

Việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền bỉ bất chấp tác động của lãi suất cao đang rót một lượng tiền lớn chưa từng thấy vào túi người tiêu dùng và kéo giá các tài sản tại Mỹ lên cao kỷ lục, đồng thời giúp nhiều người có thu nhập cao chống lại tác động tiêu cực của lạm phát.

Tài sản bao gồm bất động sản, cổ phiếu và tài khoản hưu trí. 

Song song với lợi ích, hiện tượng trên cũng đi kèm với tác hại tiềm tàng. Ông James Marple, nhà kinh tế cấp cao tại TD Bank, cho biết sự gia tăng của thu nhập và của cải giúp người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn cho hàng hoá và dịch vụ, khiến Fed khó dập lạm phát.

Trước đây, nhà đầu tư những tưởng lãi suất cao sẽ đè nặng lên giá cổ phiếu. Nhưng thay vào đó, sự phấn khích về trí tuệ nhân tạo đã giúp các chỉ số chứng khoán leo lên mức cao nhất mọi thời đại.

Tuy chỉ số S&P 500 đã sụt giảm chút ít vào tuần trước, Phố Wall vẫn đang đặt cược vào các đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Niềm lạc quan này có thể sẽ đưa giá cổ phiếu lên cao hơn nữa. Ông Marple bình luận: “Chứng khoán bùng nổ khiến công việc của Fed trở nên phức tạp”. 

Các nhà kinh tế vẫn đang tranh cãi nhau về hiệu ứng của cải. Nói một cách dễ hiểu, các chuyên gia bất đồng ý kiến xoay quanh việc giá tài sản tăng có tác động thúc đẩy lớn như thế nào đến chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời hiện tượng này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Thực tế là trong kỷ nguyên lợi suất cao, nhiều khoản đầu tư của người Mỹ đang tạo ra tiền và dòng tiền này có thể chảy vào nền kinh tế thông qua các nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn.

Ông Victor Hernandez, chuyên gia bán hàng công nghệ 55 tuổi ở Southern California, đã mua gom trái phiếu kho bạc và nợ doanh nghiệp trong những tháng gần đây để đảm bảo các khoản lợi nhuận an toàn. Chứng khoán trả thu nhập cố định hiện chiếm khoảng 1/3 danh mục đầu tư của ông.

Giá cả cao khiến ông Hernandez và vợ trì hoãn kế hoạch mua ô tô mới và tạm ngừng ý định cải tạo vườn và sân sau nhà. Nhưng vợ chồng ông vẫn đang lên kế hoạch đi du lịch trong nước và Tây Ban Nha. Trong các buổi gặp mặt gia đình với con cái, họ gọi đồ ăn ngoài thay vì tiết kiệm và tự nấu nướng.

Xét tổng thể, thu nhập từ trái phiếu và lãi từ đầu tư cổ phiếu đã cho phép ông Hernandez tiến gần hơn đến mục tiêu nghỉ hưu sớm và giúp đỡ hai con trai mua nhà. Ông nói với tờ Wall Street Journal (WSJ): “Chết không mang tiền theo được nên tôi vẫn cứ tiêu”.

Thu nhập đầu tư chảy vào túi những người như ông Hernandez đã làm nổ ra các cuộc tranh cãi trong giới phân tích. Một số người lập luận rằng lãi suất cao thực chất đang kích thích thay vì kìm hãm nền kinh tế.

Tiền từ chính phủ chảy vào túi người dân

Trong những năm gần đây, Washington đã rót hàng nghìn tỷ USD cho các khoản cứu trợ đại dịch, dự án năng lượng sạch và các kế hoạch khác. Chính phủ Mỹ bán trái phiếu kho bạc để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách.

 

Khối nợ công khổng lồ - cộng với chiến dịch tăng lãi suất của Fed - đã kéo chi phí thanh toán lãi vay của chính phủ Mỹ lên gần 1.100 tỷ USD trong quý I, theo số liệu được chuẩn hóa theo năm và điều chỉnh cho yếu tố mùa vụ.

Số tiền này tạo ra thu nhập cho các doanh nghiệp hoặc người Mỹ để tiền trong các quỹ thị trường tiền tệ. Các quỹ này mua nợ chất lượng cao như trái phiếu kho bạc và trả cho khách hàng lợi nhuận hàng năm lên đến 5%.

Bà Delores McKinley, một kế toán đã nghỉ hưu sống tại Florida, cũng để tiền vào quỹ thị trường tiền tệ. Bà cho biết: “Tôi không cần chú ý đến khoản đầu tư ít rủi ro đó. Chỉ đến khi quyết toán thuế, tôi mới nhận ra mình kiếm được khá nhiều tiền”.

Giang

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 28/6: Tiếp tục điều chỉnh
Theo dự báo của công ty chứng khoán, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.