|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Hong Kong chuộng mua trang sức, đá quý từ Việt Nam

07:00 | 30/11/2023
Chia sẻ
Ngày 29/11, Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong đã tổ chức họp báo giới thiệu chuỗi hội chợ ngành hàng diễn ra trong quý I/2024, nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa Hong Kong với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Trang sức là một trong những ngành hàng của Việt Nam thu hút sự quan tâm ở Hội chợ thương mại doHội đồng phát triển thương mại Hong Kong tổ chức. (Ảnh: Ban tổ chức).

Ông Ronald Ho, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong cho biết có rất nhiều công ty Việt Nam đang hoạt động ở Hong Kong (Trung Quốc). Ngược lại phía Hong Kong cũng có nhiều hoạt động thương mại, đầu tư vào Việt Nam. 

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hong Kong. Theo báo cáo của OEC World, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 12,5 tỷ USD sang Hong Kong. Các sản phẩm chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong bao gồm mạch tích hợp (4,38 tỷ USD), điện thoại (2,12 tỷ USD), và thiết bị văn phòng (1,65 tỷ USD).

Trong vòng 26 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Hong Kong đã tăng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 18%, từ 168 triệu USD vào năm 1995 lên 12,5 tỷ USD vào năm 2021.

Trong cùng năm, Hong Kong đã xuất khẩu 2,88 tỷ USD sang Việt Nam. Các sản phẩm chính mà Hong Kong xuất khẩu bao gồm mạch tích hợp (326 triệu USD), pin điện (247 triệu USD), và sắt phế liệu (233 triệu USD).

Tính đến tháng 9/2023, tổng giá trị thương mại giữa hai bên đạt 21,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Hong Kong với tổng giá trị xuất khẩu là 10,6 tỷ USD và là nước nhập khẩu lớn thứ 8 với giá trị nhập khẩu là 11 tỷ USD.

Ông Ronald Ho cho biết người tiêu dùng Hong Kong rất quan tâm tới trang sức và đá quý của Việt Nam. Bên cạnh đó là các sản phẩm liên quan tới thực phẩm, nông sản, may mặc và đồ điện tử.

Thực tế, trong 10 tháng đầu năm, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam thu về hơn 847 triệu USD từ việc xuất khẩu đá quý, kim loại quý. Trong đó, Mỹ và Hong Kong là hai thị trường dẫn đầu nhập khẩu đá quý và các sản phẩm liên quan từ Việt Nam. 

Tổng giá trị nhập khẩu đá quý của Mỹ là 384 triệu USD và Hong Kong là 156 triệu USD. Chỉ riêng hai thị trường này chiếm hơn nửa lượng nhập khẩu đá quý từ Việt Nam.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ cũng là một số quốc gia nhập khẩu lượng lớn đá quý từ Việt Nam.

Tháng 7 năm ngoái, trao đổi với tờ TTXVN, ông Paul Sit - Tổng Giám đốc Công ty trang sức đá quý Cixi – Hong Kong cho biết Việt Nam là thị trường lớn về đá quý và có rất nhiều loại đá quý nổi tiếng thế giới như cobalt spinel.

Cixi đã có kế hoạch đầu tư tại thị trường Việt Nam, kỳ vọng có thể liên kết với thị trường đá quý của Việt Nam và giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Theo ông, chất lượng và màu sắc của đá quý Việt Nam rất hoàn hảo, chắc chắn sẽ được nhiều người ưa thích.

Ở chiều ngược lại, Hong Kong cũng là nước đứng top hai trong danh sách xuất khẩu đá quý sang Việt Nam với 111 triệu USD. Đứng đầu là Ấn Độ với lượng đá quý xuất khẩu sang Việt Nam trị giá 128 triệu USD trong 10 tháng đầu năm.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện 29/11 vừa qua, bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương của Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong cho biết sẽ tổ chức 5 hội chợ triển lãm quốc tế vào đầu năm sau.

Trong đó có một hội chợ về kim cương, đá quý và ngọc trai diễn ra từ 27/2 đến 2/3/2024 và hội chợ về trang sức diễn ra từ 29/2 tới 4/3 năm sau.

Trước khi đại dịch bùng phát, Hong Kong đón hơn 750.000 lượt khách từ châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Dubai... tới Hong Kong mua sắm. Song, kể từ sau đại dịch, Hong Kong đã mất rất nhiều khách hàng. Do đó, Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong mong muốn tổ chức các hội chợ, triển lãm nhằm kết nối lại với các đối tác, khách hàng.

"Đại dịch COVID-19 khiến mọi người không thể gặp nhau, khó có thể gặp đối tác hay khách hàng. Hong Kong đóng cửa thành phố từ năm 2020 và chỉ mới mở lại vào giữa năm 2022.

Như các bạn đã biết, Hong Kong có diện tích không lớn, cũng không giàu tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào giao thương hàng hóa và phát triển dịch vụ. Đại dịch đã khiến mọi hoạt động giao thương bị chậm lại", ông Ronald Ho chia sẻ.

Thành Vũ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).