Người Việt giảm quan tâm tới Black Friday
Dữ liệu từ SocialHeat của YouNet Media cho biết hiện tại ngày Black Friday dù đang chiếm trọn Top 1 SocialTrend ranking (bảng xếp hạng các chủ đề hot trên mạng xã hội), nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, sức nóng về thảo luận và tương tác chỉ đạt được một nửa.
Cụ thể, so với cùng thời điểm năm ngoái, thì ngày Black Friday năm nay chỉ mới đạt khoảng nửa thảo luận (54%) trên mạng xã hội. Đối với lượng tương tác cũng tương tự với 52%.
Con số này phản ánh đúng tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng năm nay, trước bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn và thu nhập giảm.
Báo cáo phát hành hồi quý II của Kantar chỉ ra hơn 1/4 hộ gia đình tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Trong giai đoạn IV/2019 - II/2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng từ 19% lên 28%.
Bước sang quý III, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn, nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hóa thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khỏe.
Tương tự, tại một sự kiện mới đây ở Hà Nội, ông Nguyễn Hoành Tiến - Phó Chủ tịch MoMo, cho biết thống kê theo từng quý, lượng khách ghé các điểm bán lẻ có xu hướng đi xuống rõ rệt.
Số lượng khách đi đến cửa hàng bán lẻ, trừ ngành thực phẩm, đã giảm sút so với tháng trước. Không chỉ ít tới các điểm bán lẻ, dự báo trong thời gian tới, khả năng chi trả của khách hàng cũng yếu đi.
Ông Tiến cho biết giảm chi tiêu bên ngoài đều liên quan đến tiền bạc. Khi khách hàng không thấy ưu đãi giảm giá thì không đến cửa hàng.
Kết quả khảo sát từ Milieu Insight ghi nhận các động cơ chính thúc đẩy quyết định mua sắm của mọi người trong ngày Black Friday bao gồm: hoàn tiền hay giảm giá (63%), ưu đãi đặc biệt khi truy cập sớm (30%), và giảm giá chớp nhoáng (flash sales - 53%).
Phạm Quyên - nhân viên văn phòng tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết khác với mọi năm, cô không hào hứng với Black Friday năm nay, dù các nhãn hàng đồng loạt giảm sâu. “Túi tiền eo hẹp nên tôi hạn chế chi tiêu với phương châm chỉ mua những gì thực sự cần. Nên dù thương hiệu có giảm giá nhiều nhưng không phải món đồ mình cần thì tôi cũng sẽ không mua”, Quyên nói.
Nguyễn Trang - nhân viên xuất nhập khẩu tại Cầu Giấy (Hà Nội) nói rằng cô vừa mua sắm trong Ngày độc thân 11/11 vừa qua. Do đó, Black Friday không còn quá hấp dẫn khi các nhãn hàng cũng đưa ra các chương trình giá thấp tương tự.
“Dù biết Black Friday sẽ có nhiều khuyến mãi nhưng trước đó tôi cũng đã mua sắm khá mạnh tay trong sự kiện 11-11. Đơn hàng đợt đó đến giờ cũng chưa nhận hết”, Trang kể.
Khảo sát của Milieu Insight nói rằng vì kinh tế khó khăn nên tâm lý người tiêu dùng muốn đợi đến các đợt siêu khuyến mãi để mua sắm. Trong đó, 80% người tham gia khảo sát cho biết họ đã kiên nhẫn chờ đợi và có chiến lược để khi sự kiện diễn ra có thể hoàn thiện wish list. Trong đó có 63% người tiêu dùng đợi đến sự kiện để mua những sản phẩm có giá trị cao.
Tuy nhiên, đến nay có thể thấy hai đợt siêu khuyến mãi diễn ra gần sát nhau đã làm giảm hiệu quả của các chương trình giảm giá, kích cầu.
Mặt khác, đối với các sản phẩm có giá trị cao như đồ công nghệ, cuộc chiến giá đã diễn ra từ đầu năm đến nay, không cần phải đợi đến các ngày lễ. Dù vậy, trong ngày Black Friday năm nay, nhiều đơn vị bán lẽ vẫn tiếp tục “cắt máu” giảm sâu để hút khách.
Chẳng hạn, trong ngày chuỗi Di Động Việt tung chương trình “Đạp giá sale rẻ”, giảm giá lên tới 80% các thiết bị công nghệ. Hay chuỗi CellphoneS đưa ra mini game giảm giá bằng voucher 3 triệu đồng hoặc giảm tới 76% giá sản phẩm.
Trong khi đó, các nhãn hàng thời trang có mức giảm từ 40% tới 80% các mặt hàng.
Đầu tư Thế Giới Di Động là một ông lớn bán lẻ kiên trì với chiến lược giá rẻ từ đầu năm đến nay nhận xét ngày Black Friday năm nay diễn ra bình thường.
“Kích cầu thì vẫn chỉ có khuyến mại, giảm giá. Cơ bản khách hàng không có tiền hoặc không muốn thay thiết bị mới”, phía doanh nghiệp cho hay.