Người giàu châu Á đang nắm giữ tài sản 20 nghìn tỷ USD: Làm sao giữ được tiền?
Tài sản tại châu Á tập trung chủ yếu trong một nhóm các gia đình, chủ yếu có mối liên hệ với nhau bởi quan hệ kết hôn và quan hệ làm ăn.
Hiện tại, trên thế giới, tài sản của người giàu châu Á hiện chỉ thấp hơn mỗi Bắc Mỹ. Tổng tài sản đầu tư tài chính và bất động sản do các triệu phú châu Á nắm giữ hiện ở mức hơn 20 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng tài sản mỗi năm ở mức khoảng 20%/năm. Theo số liệu từ Capgemini SE, mỗi ngày, châu Á có thêm khoảng 2.000 triệu phú.
Tài sản tại châu Á tập trung phần lớn trong một nhóm các gia đình, chủ yếu có mối liên hệ với nhau bởi quan hệ kết hôn và quan hệ làm ăn. Tài sản của các gia đình châu Á là tài sản thực, dựa trên hoạt động của những công việc kinh doanh hiện có. Xuất phát điểm của các gia đình kinh doanh châu Á này thường gây nhiều tranh cãi, vốn thường có liên quan nhiều đến chính trị.
Sự giàu có của người giàu châu Á có thể được tóm gọn trong một quan sát của John D. Rockefeller trước đây: “Tôi có những cách kiếm tiền mà bạn chẳng biết gì về nó cả”.
Trách nhiệm quản lý tài sản được chuyển sang cho thế hệ con và cháu của các doanh nhân sáng lập. Khi thiếu đi sự ham thích và kinh nghiệm với hoạt động kinh doanh thực tế, ở nhiều mức độ khác nhau, con cháu của những nhà sáng lập thường hưởng lợi dựa trên những gì có sẵn. Khi mà sự chuyển giao tài sản giữa các thế hệ như vậy thường xuyên diễn ra, để nó có thể thành công, sẽ cần đến nhiều kỹ năng khác nhau.
Dù người châu Á vẫn luôn tự hào về giá trị Á đông, nhưng người giàu của khu vực châu Á lại đề cao những chương trình quản lý tài sản cá nhân do các ngân hàng phương Tây đưa ra. Ngành quản lý tài sản nhờ vậy mà cũng có điều kiện tăng trưởng nhanh chóng.
Thế nhưng, quá trình tìm kiếm tư vấn còn nghèo nàn. Hiện tại, châu Á còn quá thiếu những văn phòng tư vấn quản lý tài sản chuyên nghiệp. Chính vì vậy, người giàu và thế hệ kế thừa cảm thấy rất khó khi muốn giảm bớt sự kiểm soát với tài sản hoặc tìm kiếm chuyên viên tư vấn tốt. Ngay cả những quỹ quản lý tài sản nổi tiếng của Singapore cũng cảm thấy khó khi thu hút và giữ chân người tài trong mảng này.
Môi trường đầu tư thực sự cũng không thuận lợi. Giá tài sản bị thổi phồng. Lãi suất thấp hoặc âm cũng như thanh khoản quá dồi dào đồng nghĩa với việc tiền đang có quá ít nơi để rót vào. Cũng như các nhà đầu tư toàn cầu, nhà đầu tư châu Á đối diện với rủi ro lợi suất mang lại thấp nhưng rủi ro lại cao.
Điều kiện cũng tồn tại nhiều yếu tố bất ổn. Hoạt động đầu tư cần đến số liệu trung thực và chính xác. Thế nhưng thường thì các số liệu kinh tế và thông tin tài chính bị người khác không khỏi nghi ngờ, niềm tin vì vậy bị xói mòn. Các số liệu do chính phủ công bố, ví như tăng trưởng nợ, thâm hụt, thị trường lao động, tỷ lệ tiết kiệm thường hay bị thay đổi. Nhiều mối quan hệ truyền thống, ví như giữa lạm phát và thất nghiệp hay đường cong lợi suất không còn duy trì.
Thông tin tài chính sử dụng nhiều chuẩn kế toán khác nhau, doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận không diễn biến cùng hướng, rủi ro không được thông báo rõ ràng. Gần đây, châu Á từng phải chứng kiến một số trường hợp công bố thông tin sai sự thật một cách có chủ ý, có thể kể đến vụ việc Kobe Steel ở Nhật; vụ làm giả số liệu của China Aviation Oil hay vụ việc Hontex ở Singapore.
Trong những tình huống như thế này, giới giàu châu Á phải lựa chọn giữa sự an toàn và lợi nhuận, hoặc nếu họ chấp nhận rủi ro cao, họ sẽ đầu tư vào nhiều công cụ phức tạp hơn. Đối với nhiều nhà đầu tư châu Á, thị trường các nước khu vực quá nhỏ và thanh khoản còn kém, thế nhưng khi muốn đầu tư ra thị trường khác, rủi ro tiền tệ và hoàn cảnh lại khiến họ không có lợi thế cạnh tranh.