Những người giàu nhất thế giới ngày càng giàu
Theo thông tin được CNN tổng hợp, những người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu hơn trong hai năm qua, với tốc độ gia tăng tài sản nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Theo báo cáo về vấn đề bất bình đẳng hàng năm của Oxfam, được công bố vào ngày 15/1, nhóm 1% những người giàu nhất thế giới đang nắm giữ lượng của cải có giá trị cao gần gấp đôi với phần còn lại của thế giới. Giá trị khối tài sản của họ tăng vọt lên mức 26.000 tỷ USD, trong khi 99% phần còn lại của thế giới chỉ chứng kiến giá trị khối tài sản đạt mức 16.000 tỷ USD.
Báo cáo, dựa trên dữ liệu do tạp chí Forbes tổng hợp, được lập vào thời điểm trùng với thời điểm bắt đầu cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sĩ, nơi tụ họp của một số người giàu nhất thế giới cũng như lãnh đạo của nhiều quốc gia.
Theo CNN, 99% dân số còn lại của thế giới “kém may mắn hơn”. Khoảng 1,7 tỷ người lao động đang sống ở các quốc gia có mức lạm phát cao hơn tiền lương. Công cuộc “xóa đói giảm nghèo” đã gặp khó khăn trong năm ngoái khi số lượng người nghèo trên toàn cầu tăng vọt vào năm 2020.
Gabriela Bucher, CEO Oxfam International cho biết: “Trong khi những người bình thường đang lao động mỗi ngày để mua sắm những thứ thiết yếu như thực phẩm, thì giới siêu giàu đã sở hữu những thứ vượt qua cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ. Chỉ trong vài năm, những người giàu nhất thế giới ngày càng trở nên giàu hơn”.
Giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú
Mặc dù giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú đã bị ảnh hưởng trong năm 2022, nhưng tựu chung lại, giá trị khối tài sản ròng của những người giàu nhất hành tinh hiện vẫn nhiều hơn so với thời điểm đầu đại dịch COVID-19.
Theo Oxfam, các tỷ phú giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản ròng có tổng giá trị 11.900 tỷ USD. Mặc dù con số này đã giảm gần 2.000 tỷ USD so với cuối năm 2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 8.600 tỷ USD mà các tỷ phú sở hữu vào tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 mới bùng phát.
Nabil Ahmed, giám đốc công bằng kinh tế của Oxfam America, cho biết những người giàu có đang được hưởng lợi từ ba xu hướng. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia giàu có, đã rót hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế của họ để ngăn chặn sự sụp đổ. Điều đó góp phần thúc đẩy cổ phiếu và các tài sản khác tăng giá trị.
“Phần lớn số tiền mới đó đã đến tay những người cực kỳ giàu có, những người có thể tạo ra nhiều thay đổi trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc đánh thuế công bằng không được áp dụng cũng giúp những người giàu nhất thế giới được hưởng lợi”, ông Ahmed chia sẻ.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của nhiều công ty đã được cải thiện trong vài năm qua. Oxfam cho biết khoảng 95 công ty thực phẩm và năng lượng đã chứng kiến lợi nhuận tăng hơn gấp đôi vào năm 2022, do lạm phát khiến giá cả tăng vọt. Phần lớn số tiền này đã được trả cho các cổ đông.
Ngược lại, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu đã tăng lên rất nhiều trong thời kỳ đầu của đại dịch. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới được trích dẫn bởi Oxfam, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong việc giảm nghèo kể từ đó, nhưng công cuộc “xóa đói giảm nghèo” dự kiến sẽ bị đình trệ vào năm 2022, một phần là do cuộc xung đột tại Ukraine, khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao. Oxfam nhấn mạnh đây là lần đầu cả tình trạng người giàu càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo xuất hiện cùng một thời điểm trong suốt 25 năm qua.
Đánh thuế người giàu
Để chống lại sự bất bình đẳng ngày càng tăng này, Oxfam đang kêu gọi chính phủ các nước tăng thuế đối với những người giàu nhất thế giới. Oxfam đề xuất áp dụng thuế tài sản một lần (one-time wealth tax) và thuế đánh trên những số tiền lớn kiếm được bất ngờ (windfall taxes) để chấm dứt việc hưởng lợi từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cũng như tăng thuế vĩnh viễn đối với 1% cư dân giàu nhất lên ít nhất 60% thu nhập của họ.
Oxfam tin rằng mức thuế phải nộp với 1% người giàu nhất thế giới phải đủ cao để giảm đáng kể số lượng và sự giàu có của họ. Các quỹ sau đó nên được phân phối lại. “Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về sự tập trung của cải. Một điều kiện tiên quyết mang tính chiến lược để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng này là đánh thuế cao hơn với những người cực kỳ giàu có”, ông Ahmed cho biết.
Dù vậy, thế giới đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong việc xóa bớt khoảng cách giàu nghèo. Đã có khoảng 11 quốc gia cắt giảm thuế đối với người giàu trong đại dịch. Ngoài ra, những nỗ lực tăng thuế đối với những người giàu có cũng đã thất bại tại Mỹ vào năm 2021.