|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người dùng Trung Quốc siết chặt hầu bao, 'cơn sốt' iPhone dần lui vào dĩ vãng

10:49 | 01/06/2022
Chia sẻ
Ảnh hưởng từ dịch bệnh cùng các yếu tố khác khiến người dân Trung Quốc không còn quá mặn mà trong việc đổi iPhone.

Đại dịch COVID-19 đã khiến túi tiền của người tiêu dùng Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giờ đây, họ mua sắm theo cách thận trọng hơn, đặc biệt là rất hạn chế trong việc sắm đồ công nghệ, bao gồm iPhone, theo Gizchina.

Khi các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 dần được dỡ bỏ, người tiêu dùng Trung Quốc đang thực hiện việc cắt giảm chi tiêu và kết quả là nhu cầu về điện thoại thông minh ở Trung Quốc cũng giảm. Do đó, các nhà sản xuất thành phẩm và linh kiện lớn nhất đã buộc phải thực hiện các biện pháp đặc biệt.

Nhu cầu mua sắm smartphone giảm

Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), số lượng điện thoại thông minh bán ra tại Trung Quốc trong tháng 4 chỉ đạt 17,7 triệu chiếc, giảm hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, khi dữ liệu quý I được công bố, số lượng smartphone được bán ra tại Trung Quốc cũng chỉ còn 86 triệu chiếc, giảm 30% so với quý I/2021.

Nhiều người tiêu dùng tại Trung Quốc đại lục chia sẻ rằng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, họ buộc phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là những món hàng đắt đỏ như iPhone. Zhang Rui, một nhân viên văn phòng chia sẻ rằng mỗi năm khi Apple tung ra các mẫu iPhone mới, cô sẽ đổi điện thoại. Tuy nhiên, năm nay là một câu chuyện khác. Cô cũng cho biết những mẫu smartphone mới hiện tại không thực sự đáp ứng mong đợi của người dùng, song giá lại rất cao.

Cuối tháng 4, gã khổng lồ Apple đã đưa ra cảnh báo rằng vì ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, doanh thu của hãng có thể giảm 8 tỷ USD trong quý II.

Người dân Trung Quốc không còn mua sắm iPhone ào ạt. (Ảnh: CNBC).

Trong khi đó, báo cáo của gã khổng lồ ngành smartphone Trung Quốc là Xiaomi mới thực sự đem lại tin buồn cho các chuyên gia. Cụ thể, doanh thu từ việc bán điện thoại thông minh trong quý đầu tiên giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nhà sản xuất, nguyên nhân dẫn tới điều này một lần nữa vẫn là do ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa, dẫn đến cuộc khủng hoảng về logistics, các cửa hàng buộc phải đóng cửa và tình trạng thiếu linh kiện, đặc biệt là chip trên toàn cầu.

Sự bi quan của thị trường smartphone được chia sẻ bởi chính những nhà cung cấp linh kiện cho gã khổng lồ Apple. Cụ thể, SMIC, nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, cho rằng những dự báo về số lượng smartphone có thể xuất xưởng trong năm nay đã bị phóng đại quá mức. Zhao Haijun, một trong những lãnh đạo của SMIC cho rằng lượng smartphone có thể xuất xưởng trong năm nay sẽ giảm đến 200 triệu chiếc so với dự báo ban đầu.

“Chiều hướng đi xuống này của thị trường smartphone hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt”, theo ông Zhao Haijun.

Ngoài ra, Foxconn, đơn vị lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple cũng dự báo lợi nhuận quý này sẽ lao dốc so với cùng kỳ năm trước. TSMC, một trong những ông lớn ngành chip cũng như đảm nhận việc sản xuất cho Apple cho rằng ngành này cũng khó để tăng trưởng.

Vấn đề sâu xa hơn

Nhu cầu về smartphone giảm báo hiệu một vấn đề sâu sắc hơn: Sự chậm lại nói chung trong tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trung Quốc chiếm khoảng 20% ​​sản lượng điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Đài Loan TrendForce.

Ngoài ra, các xu hướng tiêu cực ở đây đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện tử toàn cầu. Các nhà phân tích và giám đốc điều hành trong ngành tin rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến phân khúc thiết bị giá rẻ. Trong khi đó, những người tiêu dùng có thu nhập thấp là những đối tượng chịu tác động lớn, đồng thời họ cũng là những người đầu tiên thực hiện cắt giảm chi phí mua sản phẩm smartphone khi tình hình kinh tế không ổn định.

Ming-Chi Kuo, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường TF International Securities có trụ sở tại Hong Kong, người chuyên làm việc với các chuỗi cung ứng, tin chắc rằng Xiaomi, Oppo và Vivo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ​​việc nhu cầu về điện thoại thông minh giảm.

Apple, với dòng sản phẩm chủ yếu tập trung ở phân khúc giá cao hơn, có thể cảm thấy tương đối an toàn, mặc dù có thể hãng vẫn có thể bị ảnh hưởng từ doanh số dòng sản phẩm giá rẻ hơn là iPhone SE. Ngoài ra, theo Wall Street Journal, Apple dự kiến sẽ xuất xưởng số lượng thiết bị giống như cách đây một năm.

Xiaomi, Oppo và Vivo đã cắt giảm kế hoạch xuất xưởng điện thoại thông minh của họ xuống còn khoảng 270 triệu chiếc trong năm nay. Theo tính toán trong quý đầu tiên của nhà phân tích TrendForce, giá trị thị trường điện thoại thông minh toàn cầu giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. TF International Securities dự đoán rằng 1,33 tỷ điện thoại thông minh sẽ được bán ra vào năm 2022.

 

Với tất cả những điều này, các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp không nên hy vọng tình trạng thiếu chip trên toàn cầu sẽ được cải thiện trong thời gian tới, bởi không chỉ ngành smartphone mà nhiều ngành khác, đặc biệt là ô tô cũng đang trải qua tình trạng tương tự.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.