|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người dân Hạ Đình yêu cầu Rạng Đông đền bù 1 tỉ đồng/1 lít máu nhiễm thuỷ ngân

15:00 | 06/11/2019
Chia sẻ
Người dân khu đô thị 54 Hạ Đình (Hà Nội) yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần sau vụ cháy, trong đó yêu cầu bồi thường 1 tỉ đồng/1 lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân. Đây là các hộ dân sống cách đám cháy từ 1-100m, thuộc vùng nhiễm độc thuỷ ngân do vụ cháy gây ra.
Người dân Hạ Đình yêu cầu Rạng Đông đền bù 1 tỉ đồng/1 lít máu nhiễm thuỷ ngân - Ảnh 1.

Vụ cháy Công ty Rạng Đông đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về vấn đề ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Trần Thanh).

Người dân làm việc với Công ty Rạng Đông yêu cầu đền bù

Trưa ngày 6/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đức Tiến - đại diện cho các hộ dân khu đô thị 54 Hạ Đình (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vào ngày 16/10 vừa qua, gần 2 tháng sau khi xảy ra vụ cháy Công ty Rạng Đông, ông cùng với một số người dân đã gặp đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông để yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và tổn hại sức khoẻ cho người dân (những người sống cách hiện trường vụ cháy từ 1-100m và thuộc vùng nhiễm độc thuỷ ngân do vụ cháy gây ra).

Đại diện các hộ dân cho biết, khu đô thị 54 Hạ Đình là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy ngân rò rỉ từ vụ cháy. Sau vụ cháy, 95% hộ dân đã phải di tản, hiện nay 80% hộ dân đã quay về.

Các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần cho người dân và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân.

Theo đó, trong biên bản làm việc với phía đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Đức Hoà (thay mặt các hộ dân) đề nghị mức đền bù cụ thể như sau:

- Bồi thường tiền khám chữa bệnh cho mỗi cá nhân 4 triệu đồng;

- Bồi thường tiền nhà 60 triệu đồng/hộ dân;

- Bồi thường mức thu nhập do phải đi khám chữa bệnh từ 6-8 triệu đồng/người;

- Bồi thường tổn thất tinh thần theo nghị quyết 03/ 2006 NQ-HĐTP là 15 tháng lương cơ bản cho mỗi cá nhân là 60 triệu đồng;

- Bồi thường mức độ nhiễm thủy ngân là 1 tỷ đồng/0,1 microgram thủy ngân/1 lít máu.

Người dân Hạ Đình yêu cầu Rạng Đông đền bù 1 tỉ đồng/1 lít máu nhiễm thuỷ ngân - Ảnh 2.

Biên bản làm việc giữa các hộ dân khu đô thị 54 Hạ Đình với đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông hôm 16/10.

Cũng trong buổi làm việc, đại diện của các hộ dân bị ảnh hưởng cũng nêu ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương đã lúng túng, chậm chạp khi xác định mức độ nguy hiểm cũng như cảnh báo người dân trong vụ việc.

Họ cũng cho rằng Công ty Rạng Đông đã coi thường sức khỏe, an toàn của người dân và người lao động khi chưa xác định mức độ nhiễm độc đã yêu cầu công nhân dọn dẹp, tiếp tục sản xuất.

Các hộ dân đề nghị các cơ quan Nhà nước sớm vào cuộc để yêu cầu Rạng Đông sớm thanh toán các khoản bồi thường, ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là các hộ vẫn chưa thể trở về nhà.

Sau khi nghe những lời đề nghị của người dân, ông Trần Trung Tướng - Phó Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết sẽ báo cáo Hội đồng quản trị công ty để trả lời người dân sau.

Người dân khó đòi khoản tiền bồi thường 1 tỷ đồng!

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: "Đối với khoản bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu nhiễm 0,1 microgam thủy ngân mà người dân Hạ Đình yêu cầu phía Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông bồi thường, cá nhân tôi cho rằng yêu cầu này rất khó để chứng minh đó là thiệt hại thực tế".

Theo luật sự Cường, tất cả những chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng phải là những hóa đơn, chứng từ do bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, nhà thuốc xác nhận hoặc những chứng cứ khác có thể được chấp nhận theo quy định pháp luật.

Trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được thiệt hại đó đã xảy ra trên thực tế, không chứng minh được mức thiệt hại mà không có sự thỏa thuận thì tòa án cũng sẽ không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại đó.

“Bởi vậy, riêng đối với khoản này thì người dân cần cân nhắc nếu phải khởi kiện đến tòa án. Trong trường hợp khởi kiện thì người khởi kiện phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong trường hợp không chứng minh được thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.

Về trách nhiệm dân sự, ông Đức cho rằng phải theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

“Người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản. Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản,… 

Người dân đưa ra mức thiệt hại của mình, Rạng Đông có quyền đưa ra mức khác, nếu không thống nhất được thì ra toà”- ông Đức nhìn nhận.

Trần Thanh