|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Ngủ đông' hay tiếp tục chiến đấu?

16:08 | 05/04/2020
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp vẫn cần phải tận dụng mọi cơ hội để tiếp tục “chiến đấu”.

Lựa chọn của DN

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì bởi dịch Covid-19 là hàng không, du lịch, giáo dục, dệt may, đồ gỗ… 

Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân trên 1.200 DN về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% DN có thể sẽ phá sản.

Đứng trước những thách thức từ dịch bệnh, một trong những giải pháp được nhiều DN áp dụng đó là “ngủ đông”, tạm dừng hoạt động, cắt giảm tối đa chi phí, nhân lực…

'Ngủ đông' hay tiếp tục chiến đấu? - Ảnh 1.

Kinh doanh online đang là xu hướng phổ biến

Điều này chính là vì tác động của dịch đến mỗi ngành nghề khác nhau. Ví dụ như với những ngành hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, sản xuất lương thực, thực phẩm thì không thể dừng hoạt động được. 

Ngược lại, đối với những ngành nghề như bất động sản du lịch thì DN nên cân nhắc việc tạm dừng hoạt động, còn bất động sản nhà ở thì vẫn có thể hoạt động vì người dân vẫn có nhu cầu.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình hiện nay là một thử thách đối với mỗi DN và quyết định “ngủ đông” hay không là lựa chọn của DN, và là bài toán cần phải tự cân nhắc, phù hợp với đặc điểm cụ thể.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng chia sẻ, DN trong những ngành được yêu cầu ngừng hoạt động hoặc giảm thiểu hoạt động thì mới nên “ngủ đông”. 

Còn các ngành nghề khác nên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin một cách tối đa để có thể duy trì hoạt động. Ví dụ như thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, đây sẽ là cơ hội để cho các DN đẩy mạnh kinh doanh thương mại điện tử.

Trong nguy có cơ, trong họa có phúc

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, dịch bệnh xảy ra có thể coi là họa nhưng trong họa vẫn có phúc, trong nguy vẫn có cơ nếu các DN có những giải pháp hợp lý. 

DN phải điều chỉnh các kế hoạch sản xuất sao cho phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời biến nguy khó thành cơ hội để phát triển.

Như những sản phẩm hiện nay đang mất nguồn cung ứng của Trung Quốc thì có thể đặt nguồn cung ứng ở các nước khác. Cũng tìm hiểu thêm thị trường khác để đa dạng hoá, đa phương hoá thị trường, quan hệ hợp tác tránh trường hợp “bỏ trứng vào một giỏ” sẽ gặp rủi ro cao.

Đây cũng là cơ hội để các DN có thể tận dụng thời gian nâng cao tay nghề cho công nhân, có thể chấn chỉnh, tái cơ cấu DN. 

Cùng với đó, các DN cần theo dõi diễn biến của thị trường, có dự báo tương đối sát thực tế để có kế hoạch thích hợp sau dịch, cần có sự chuẩn bị để đón sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, sẽ có nhu cầu tăng lên mạnh mẽ, có nhu cầu cần điều chỉnh, ông Doanh cho biết thêm.

TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, các DN phải đẩy mạnh tái cấu trúc, tăng cường về quản lý, tạo ra chi phí sản xuất thấp nhất trong lúc này.

Hơn ai hết, DN phải là người quyết định sự tồn tại và phát triển của mình. Ví dụ như ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong tình hình dịch bệnh, nhưng nhiều DN đã chuyển sang sản xuất khẩu trang, quần áo phục vụ y tế. 

Một ví dụ khác như với các DN dịch vụ, để ngăn chặn dịch bệnh, hầu hết các DN dịch vụ đều đóng cửa, nhưng nhiều DN đã coi đây là cơ hội để chuyển hướng. 

Trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn đó, các DN nhanh chóng đẩy mạnh quảng cáo, bán hàng qua các trang thương mại điện tử, giao hàng online, điều đó giúp DN không những tồn tại mà còn có thể phát triển qua dịch. 

“Nếu không nhanh nhạy thì khó tồn tại, nếu nhanh nhạy thì có thể biến rủi ro thành cơ hội”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trang Quỳnh