Ngọc Nghĩa buông tham vọng thực phẩm
‘Khởi nghiệp thực phẩm sạch dành cho những người có tâm’ | |
Hướng đi của Vissan sẽ khác biệt so với Bách hóa XANH và các doanh nghiệp thực phẩm khác |
Ngọc Nghĩa đang đi tới quyết định dừng chân ở mảng thực phẩm. Ảnh: Quý Hòa |
Sau gần 10 năm nhảy vào ngành thực phẩm, với việc thành lập Công ty Cổ phần Thực phẩm Hồng Phú hoạt động trong mảng nước chấm - gia vị, Công ty Cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (còn gọi là Nhựa Ngọc Nghĩa) - đơn vị dẫn đầu trong ngành chai nhựa PET - đã quyết định dừng chân.
Dừng bước
Đánh dấu cho quyết định này là việc Ngọc Nghĩa đã bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại Hồng Phú cho đối tác khác. Theo thông tin ban đầu, Ngọc Nghĩa dự định sẽ bán “rẻ như cho”, với giá chỉ 810 triệu đồng, tức 100 đồng/cổ phiếu. Nhưng mới đây, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, Ngọc Nghĩa tiết lộ, Công ty đã chuyển nhượng phần vốn góp tại Hồng Phú, tương đương 40,5% vốn điều lệ, với giá lên tới 702,7 tỉ đồng.
Nhờ thương vụ này, trong quý I/2018, Ngọc Nghĩa đã báo lãi đột biến, với 743 tỉ đồng. Đây là mức lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty. Giới phân tích tin rằng, khi Ngọc Nghĩa rời xa mảng thực phẩm, kinh doanh của Công ty sẽ bớt phần u ám. Bởi suốt từ năm 2010 đến nay, dưới gánh nặng thua lỗ triền miên từ mảng thực phẩm, lợi nhuận chung của toàn Công ty bị ăn mòn. Cá biệt 2 năm gần đây, lãi ròng của Công ty chỉ còn vài tỉ đồng/năm. Điều này khiến cho các mục tiêu của Ngọc Nghĩa về tăng trưởng doanh thu, thị phần trong mảng thực phẩm đã không được như kỳ vọng.
Khi mới dấn bước vào ngành thực phẩm (năm 2009), Ngọc Nghĩa đã ấp ủ nhiều kế hoạch. Nhưng Công ty đã nhanh chóng nhận ra bánh kẹo không hấp dẫn và sớm thoái vốn khỏi mảng này. Ở ngành thịt, 2 công ty mới thành lập gần đây cũng được bán đi. Ngọc Nghĩa chỉ còn đầu tư vào nước chấm, với mục tiêu lọt vào nhóm 3 dẫn đầu thị trường nước chấm, trở thành biểu tượng niềm tin của Việt Nam về sản phẩm thực phẩm.
Để đạt tham vọng này, từ buổi ban đầu, Hồng Phú đã không ngần ngại đầu tư nhà máy lớn nhất Việt Nam với giá trị 20,6 triệu USD. Công ty cũng chi bạo tiền cho marketing, bán hàng... nhằm tìm chỗ đứng trong sân chơi tốn kém này.
Thế nhưng, mảng nước chấm Kabin, Thái Long của Ngọc Nghĩa vẫn mờ nhạt trước các đối thủ. Thực tế, thị trường nước chấm tuy có quy mô gần 500 triệu USD nhưng lại chỉ là sân chơi bành trướng của vài đơn vị. Chẳng hạn, Masan liên tục là hãng dẫn đầu và giữ cách biệt, chiếm thị phần tới 65-70%. Doanh số nước mắm của Masan, ngay từ khi Hồng Phú chưa ra đời, đã ở mức 4.000-5.000 tỉ đồng.
Còn hàng trăm hãng nước mắm như Unilever (hiệu Knorr Phú Quốc), ICP (hiệu Phú Quốc), Nam Phương (hiệu Đệ Nhất), Hồng Hạnh, Liên Thành, Thanh Hà, Hạnh Phúc, 584 Nha Trang... phải cạnh tranh nhau quyết liệt. Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen từng nhận định, nước mắm luôn là mặt hàng có mức cạnh tranh cao nhất.
Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị đã quyết định rút lui khỏi mảng nước mắm. Sau 3 năm làm nước mắm Đệ Nhất (2010-2013), Acecook đã bỏ cuộc, chuyển nhượng lại cho Nam Phương. Thuận Phát cũng quyết định bán nước mắm Phú Quốc cho ICP. Riêng Hồng Phú dù kiên trì đầu tư hệ thống phân phối và phát triển nhãn hiệu Kabin, Thái Long nhưng ngày càng thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế của Hồng Phú đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Tham gia gián tiếp
Các nhà lãnh đạo ở Ngọc Nghĩa đã nhận ra vấn đề và đang dần chuyển đổi. Bán đi toàn bộ vốn đầu tư của Ngọc Nghĩa ở Hồng Phú, tương đương 40,5% vốn điều lệ là một cách giúp Hồng Phú có thêm nguồn lực phát triển, nhưng như ông La Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ngọc Nghĩa, từng chia sẻ, nếu phải bán bớt cổ phần ở Hồng Phú thì chỉ bán ở mức 50%. Nhìn vào thực tiễn, Ngọc Nghĩa vẫn đang sở hữu gián tiếp 57% vốn điều lệ tại Hồng Phú, thông qua 2 công ty con là Công ty Cổ phần PET Quốc Tế và Công ty Cổ phần Nắp Toàn Cầu.
Tương tự, đối với hai công ty thực phẩm khác là Công ty Thịt Ngon Quốc tế và Thịt ngon Quốc tế La Maison, Ngọc Nghĩa cũng không “dứt tình”, bởi người mua lại 2 công ty này là một người thân trong gia đình ông chủ Ngọc Nghĩa.
Mới đây, cổ đông của Ngọc Nghĩa còn thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề mới. Trong đó, đáng chú ý là ngành bán buôn thực phẩm. Ông La Văn Hoàng từng tiết lộ, Hồng Phú sẽ nâng giá trị bằng cách tăng mặt hàng nhập khẩu vào kênh phân phối.
Như vậy, về mặt danh nghĩa, công ty mẹ Ngọc Nghĩa tuy đã rút lui khỏi mảng thực phẩm, giúp các con số trong báo cáo tài chính của Ngọc Nghĩa đẹp hơn nhưng xét về bản chất, Ngọc Nghĩa vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ mảng thực phẩm. Lý do để Ngọc Nghĩa bằng cách này cách khác vẫn tham gia vào mảng thực phẩm là vì “khi Hồng Phú kinh doanh ổn định, giá trị Công ty sẽ rất lớn”, ông La Văn Hoàng cho biết.
Ngoài ra, thực phẩm là ngành có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn hơn lĩnh vực chai nhựa PET. Nielsen dự đoán, từ nay đến năm 2022, tăng trưởng trung bình của ngành hàng nước chấm-gia vị sẽ là 25-32%. Trong khi đó, tăng trưởng mảng chai nhựa PET của Ngọc Nghĩa, ở điều kiện ổn định, chỉ khoảng 15-18%.
Cũng cần nói thêm, tuy Ngọc Nghĩa dẫn đầu thị trường phôi, chai nhựa PET, với thị phần khoảng 30-35% và là đối tác cho nhiều khách hàng lớn như Coca-Cola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam, Lavie, Masan, Vinamilk, Dầu ăn Tường An, Bảo vệ Thực vật An Giang hay Unilever, nhưng khó khăn cho Ngọc Nghĩa trong lĩnh vực này là không nhỏ. Theo báo cáo thường niên của Công ty, hầu hết sản phẩm truyền thống của Công ty đều đã có sự tham gia của đơn vị khác. Vì thế, Ngọc Nghĩa chịu sức ép lớn về giá và lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều khách hàng đã thay đổi về chính sách, như đa dạng hóa nhà cung cấp, thay đổi mô hình đối tác... Khó khăn cho Ngọc Nghĩa còn liên quan đến biến động giá hạt nhựa PET nhập khẩu. Tất cả đã và sẽ ảnh hưởng đến doanh thu mảng cốt lõi của Công ty. Ngọc Nghĩa lấn sang mảng thực phẩm cũng vì lý do này.
Nhưng ông La Văn Hoàng từng khẳng định trước cổ đông, dù có những khó khăn hay mở rộng ngành nghề thì ngành chủ lực của Ngọc Nghĩa vẫn là chai nhựa PET. Công ty sẽ tiếp tục và có kế hoạch lấy lại thế mạnh cho ngành này trong thời gian tới.