Ngày Doanh nhân Việt Nam: Nâng tầm sức mạnh đội ngũ doanh nhân
Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hay còn được gọi là "những người lính thời bình" đã và đang có nhiều đóng góp xây dựng đất nước, đồng thời tham gia sâu, rộng hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004), phóng viên TTXVN đã cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; kiêm Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế" về những vai trò cũng như thực trạng và điểm cần lưu ý đối với đội ngũ doanh nhân hiện nay.
Phóng viên: Thưa ông, trong nhiều năm qua, vai trò và những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được ghi nhận và đánh giá cao đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Cùng với làn sóng hội nhập, phát triển kinh tế, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vị thế là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nguồn lực cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Có thể nói chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được xác định và đánh giá cao như hiện tại. Trên mặt trận kinh tế, doanh nghiệp - doanh nhân thực sự là lực lượng chủ công: "Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và doanh nhân là hiền tài của đất nước" như ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021-2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Trong quá trình này, doanh nghiệp giữ vai trò động lực và các doanh nhân cần chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cuộc vận động: “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì phát động với các hoạt động đối thoại. Sự lắng nghe ý kiến doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế trong công cuộc phát triển kinh tế.
Hưởng ứng cuộc vận động này, tôi đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp triển khai phong trào “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân một sáng kiến” để góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cấp mình và chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm tốt để phát triển bền vững, cạnh tranh thắng lợi. Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành; trong đó, doanh nghiệp Việt phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo.
Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, Việt Nam đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh; trong đó, có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường.
Phóng viên: Đánh giá thực trạng "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông có bình luận gì về những vấn đề còn tồn tại và những điểm yếu cần khắc phục?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thực ra, xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu người dân, Việt Nam không hề thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số lượng ấy còn quá ít.
Theo đánh giá về năng lực quản trị doanh nghiệp của ASEAN đối với các doanh nghiệp niêm yết (bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế), doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng thứ 6 trong số 6 nền kinh tế thuộc ASEAN. Và theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực doanh nghiệp Việt Nam cũng mới chỉ đứng ở hạng trung bình … Điều ấy rõ ràng khẳng định, năng suất lao động của Việt Nam vì sao còn rất hạn chế so với các nước trong khu vực; đồng thời, cũng "phản ánh" thể trạng của các doanh nghiệp còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn, cần phải được hỗ trợ tối đa hay tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Phóng viên: Vậy từ những điểm yếu đó thì cần có giải pháp khắc phục ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Yêu cầu bức thiết nhất hiện nay, theo tôi là cần phải nâng cấp doanh nghiệp trên mọi góc độ và khía cạnh. Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp cần định hướng và nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ tập trung nâng số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Hy vọng rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên cho việc này; tăng cường năng lực quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa; đồng thời, nâng cấp doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh.
Để nâng cấp doanh nghiệp thì yêu cầu phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực. Doanh nghiệp thuộc quy lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần phát triển bền vững và quốc tế hóa - số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.
Phóng viên: Với vai trò cầu nối, tiếp dẫn các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cộng đồng doanh nghiệp; cũng như chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và tiếng nói từ doanh nghiệp, doanh nhân tới các cơ quan quản lý Nhà nước, VCCI đã tham gia như thế nào vào quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
Ông Vũ Tiến Lộc: Với nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để triển khai Chương trình quốc gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; trong đó, chú trọng vào các đối tượng như doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đó chính là “ngôi sao hy vọng” và là “xương sống” của mỗi nền kinh tế, là chủ thể cho sự nghiệp phát triển sáng tạo, bao trùm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững với việc phổ biến rộng khắp Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) và các mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, doanh nghiệp xã hội … Đây cũng là những hoạt động trọng tâm của VCCI trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình hành động của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế số.
Mới đây, theo đề xuất của VCCI, Thủ tướng cũng đã phát động “Phong trào Năng suất Việt Nam” để tiếp lửa cho cuộc vận động này. Chúng tôi mong các doanh nghiệp hãy coi các cuộc vận động này là phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu của các doanh nhân trong thời đại mới.
Để thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, chúng tôi cũng chính thức phát động cuộc thi sáng tác bài hát về doanh nghiệp, doanh nhân để lựa chọn “doanh nhân ca”. Cá nhân tôi cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân chung tay cùng chúng tôi biên soạn 2 cuốn sách quan trọng cho đội ngũ doanh nhân: “1001 câu chuyện về cải cách” và “1001 câu chuyện về khởi nghiệp” của các thế hệ doanh nhân Việt để giữ lửa và truyền nghề kinh doanh cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng triết lý và văn hóa doanh nhân nước nhà.
Chúng tôi hoan nghênh Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam, Câu lạc bộ CEO chìa khóa thành công và Alphabook đã là những đối tác đầu tiên tham gia xây dựng bộ sách này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!