Số lượng doanh nhân nữ châu Á đang tăng theo cấp số nhân
Châu Á là châu lục có sự tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhiều năm qua, châu Á đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế nhờ được hỗ trợ và thúc đẩy bởi các cải cách kinh tế ủng hộ tinh thần khởi nghiệp.
Nữ doanh nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, họ cũng dành sự quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động kinh doanh nên số lượng nữ doanh nhân tăng theo cấp số nhân.
Phụ nữ đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững và trở nên độc lập hơn về tài chính.
Câu chuyện tăng trưởng
Trong vài năm qua, châu Á Thái Bình Dương đã chứng kiến sự thu hẹp nhanh chóng khoảng cách chênh lệch giới tham gia vào hoạt động kinh tế. Dự kiến sẽ có thêm 4,5 nghìn tỉ USD đóng góp vào tăng trưởng nội địa của khu vực trong năm 2025.
Mức tăng ấy đi kèm với sự tăng trưởng phi thường của các doanh nghiệp được điều hành bởi nữ doanh nhân và ngày càng nhiều phụ nữ theo đuổi sự nghiệp kinh doanh gần đây.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng ở châu Á. Trung bình tại mỗi quốc gia có hơn 95% công ty trong tất cả các lĩnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp việc làm cho hơn 90% lực lượng lao động.
Ở Ấn Độ, có khoảng 8 triệu phụ nữ đã mạo hiểm khởi nghiệp. Ảnh: asiasight.com
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, châu Á đang dần vững bước trên con đường đạt mục tiêu của "Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững" là "trao quyền kinh tế cho phụ nữ".
Hơn thế nữa, phụ nữ đã phá vỡ quan niệm rằng họ chỉ giỏi các ngành như thiết kế, thời trang, thủ công mĩ nghệ và nhà bếp bằng cách tham gia điều hành doanh nghiệp trong hầu hết các ngành công nghiệp.
Ví dụ, ở Ấn Độ, có khoảng 8 triệu phụ nữ đã mạo hiểm khởi nghiệp. Họ thiết lập một chỗ đứng vững chắc giữa số lượng khổng lồ 126 triệu nữ doanh nhân trên toàn thế giới.
Mặc cho sự tăng trưởng phi thường về số lượng nữ doanh nhân trong vài năm qua, vẫn còn một số thách thức hạn chế họ phát triển như việc duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Á.
Bằng cách khắc phục hiệu quả các điểm thiếu sót, tất cả các hạn chế về nhân khẩu học, xã hội, kinh tế, chính trị và pháp lí cùng với việc tận dụng mọi cơ hội, các nữ doanh nhân châu Á sẽ có triển vọng phát triển ấn tượng.
Những thách thức chính
Phụ nữ ở châu Á vẫn chưa thể thực hiện hoàn toàn quyền lợi của họ trong công việc vì vẫn tồn tại khoảng cách (23%) chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động ở một số khu vực nhất định.
Hơn nữa, họ bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng, không được phát triển kĩ năng, không được tiếp cận với các nguồn tài chính xã hội như nam giới cùng thời với họ. Rào cản dành cho phụ nữ càng gia tăng bởi các chuẩn mực xã hội và văn hóa lỗi thời đi kèm sự phân biệt giới tính.
Ở các nước đang phát triển, nơi sự tăng trưởng kinh tế vẫn còn ở giai đoạn đầu, phụ nữ vẫn chưa có chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất mà chỉ tham gia phần lớn vào ngành nông nghiệp và dịch vụ.
Không chỉ gặp khó khăn về giáo dục, phụ nữ còn bị hoàn cảnh gia đình và tình trạng kinh tế chi phối nên khả năng tiếp cận thị trường của họ bị hạn chế.
Dù sự xuất hiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đánh giá là tương đối muộn nhưng phụ nữ vẫn phải đối mặt với các vấn đề như không thể tiếp xúc với công nghệ, tài chính, tín dụng, thiếu kiến thức về kinh doanh. Bên cạnh đó họ nhận được mức độ tín nhiệm thấp hơn so với nam giới.
Phụ nữ thường không có các tài sản thế chấp truyền thống như đất đai, nhà cửa, tiền mặt và các tài sản khác đứng tên của họ. Những hạn chế này dẫn tới hàng loạt những bất lợi khi họ muốn vay vốn ngân hàng, điểm tín dụng cá nhân thấp khiến họ gặp khó khăn khi tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa, một số rào cản pháp lí và quy định trên khắp châu Á kìm hãm khả năng điều hành kinh doanh của phụ nữ. Ngay cả khi luật pháp bảo đảm quyền bình đẳng giới tính thì các chuẩn mực xã hội vẫn ngầm phân biệt đối xử với phụ nữ khiến họ không được hưởng trọn vẹn quyền kinh doanh của mình.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, "Báo cáo Phát triển Thế giới 2015: Tâm trí, xã hội và hành vi" chỉ ra rằng định kiến ngầm của xã hội đã ảnh hướng tới sự nhìn nhận của xã hội về các nữ doanh nhân. Những định kiến này cần được giải quyết để mang lại sự thay đổi trong tầm quan trọng và sự phát triển của các nữ doanh nhân.