Sếp FPT: Từ ngày Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, đây là giai đoạn sóng gió nhất của doanh nhân Việt
13/10, ngày Doanh nhân Việt Nam - trên trang Facebook cá nhân ông Đỗ Cao Bảo - một trong các thành viên sáng lập tập đoàn FPT và hiện đang giữ chức Phó Tổng giám đốc FPT, đã chia sẻ câu chuyện về doanh nhân Việt Nam hiện tại, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.
Dưới đây chúng tôi xin phép trích lại toàn bộ bài chia sẻ trên. Có biên tập để phù hợp với ngôn ngữ báo chí:
Có thể nói rằng từ ngày Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, đây là giai đoạn sóng gió nhất, khó khăn nhất, cam go nhất của các doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt.
Nhớ lại đợt khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, các nền kinh tế châu Á tiêu điều, xơ xác, tất cả các biển quảng cáo ở sân bay, nhà ga, bến tàu, trên các con đường chính ra vào các thành phố lớn đều trắng trơn, trơ cái khung sắt xám xịt.
Tất cả các công trường xây dựng đều hết tiền dừng lại, để trơ ra màu xi măng xám xịt. Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Malina, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đều một màu xám xịt vào ban ngày, tối om vào ban đêm.
Đồng tiền và tài sản mất giá, thị trường chứng khoán châu Á sụp đổ, nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo.
Nhớ lại đợt khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, các nền kinh tế châu Á tiêu điều, xơ xác, tất cả các biển quảng cáo ở sân bay, nhà ga, bến tàu, trên các con đường chính ra vào các thành phố lớn đều trắng trơn, trơ cái khung sắt xám xịt.
Tất cả các công trường xây dựng đều hết tiền dừng lại, để trơ ra màu xi măng xám xịt. Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Malina, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đều một màu xám xịt vào ban ngày, tối om vào ban đêm.
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 làm nhiều người từ đại gia trở thành trắng tay, rất nhiều doanh nhân gánh món nợ tài chính khổng lồ với mức lãi xuất ngân hàng lên đến 23%.
Rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ đã không chịu nổi cơn bão tài chính đành phá sản và giải nghệ. Rất nhiều doanh nghiệp tuy trụ lại được, nhưng phải mất 5 - 7 năm sau mới khắc phục xong hậu quả.
Giờ đây rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đang trải qua một đợt khủng hoảng có lẽ còn nặng nề hơn hai cuộc khủng hoảng 1997-1998 và 2007-2008 trước kia.
Ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa theo lệnh phong toả 3-4 tháng, kinh doanh tạm dừng, tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả, tiền lương nhân viên vẫn phải lo. Các doanh nghiệp lớn còn có sức chống đỡ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đi đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng.
Như người ta thường nói: Chỉ khi gặp khó khăn, khi gặp sóng gió thì bản lĩnh của người lãnh đạo, của doanh nhân mới có dịp được tôi luyện. Chỉ khi khủng hoảng kinh tế mới cần nhiều đến tài năng, ý trí, năng động, sáng tạo của doanh nhân.
Dịch bệnh đã được đẩy lùi một bước, vắc xin đã đạt độ phủ khá cao ở những tỉnh/thành phố lớn và các tỉnh có khu công nghiệp lớn. Lệnh phong toả đã được nới lỏng, niềm tin đang dần trở lại.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, chúc các doanh nhân Việt vững tay chèo, đưa con thuyền của mình vượt qua giông bão, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm và cuộc sống cho người lao động.
Hãy tự nhủ rằng: Giờ chưa tệ bằng giai đoạn 1997-1998, đêm đêm ánh đèn thành phố vẫn lung linh, các biển quảng cáo vẫn xanh đỏ tím vàng khắp nơi, chứ có tối om, xám xịt như năm 1997-1998 đâu.
Hãy tin rằng nhất định chúng ta sẽ vượt qua.