|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người trả lại tên cho doanh nhân Việt

21:04 | 17/03/2018
Chia sẻ
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người trả lại tên cho doanh nhân Việt Nam.
nguyen thu tuong phan van khai nguoi tra lai ten cho doanh nhan viet Tổ chức quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 ngày
nguyen thu tuong phan van khai nguoi tra lai ten cho doanh nhan viet Dấu ấn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Luật doanh nghiệp
nguyen thu tuong phan van khai nguoi tra lai ten cho doanh nhan viet Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cụ Sáu Khải sống rất giản dị nhưng chỉ đạo thu phục nhân tâm
nguyen thu tuong phan van khai nguoi tra lai ten cho doanh nhan viet
Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: ST

Thủ tướng của cải cách thể chế

Vào thời điểm Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu nhiệm kỳ, năm 1997, cho dù Việt Nam đã có Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1992, nhưng số doanh nghiệp được thành lập còn rất thấp.

Đến hết tháng 12/1996, số doanh nghiệp tư nhân đang ký theo Luật Doanh nghiệp tư nhân là khoảng 17.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Công ty khoảng gần 7.000, gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

“Điều đáng nói là vị thế, hình ảnh của các doanh nghiệp tư nhân khi đó thực sự rất kém. Phần lớn là những người không còn con đường nào khác, buộc phải kinh doanh để kiếm sống”, ông Lộc kể.

Nhưng chính vào thời điểm đó, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định gặp gỡ khu vực doanh nghiệp tư nhân.

“Khi đó, tôi là Tổng thư ký VCCI, được giao nhiệm vụ báo cáo tình hình doanh nghiệp. Hồi đó, việc báo cáo với Thủ tướng là nhiệm vụ đặc biệt, nên mọi việc đều phải chuẩn bị rất kỹ càng, cẩn trọng. Tôi vẫn nhớ cuộc gặp đầu tiên có tên là đối thoại và hợp tác. Trong một cuộc đối thoại, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước; không có hàng rào ngăn cắt giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp theo kiểu kẻ trên, người dưới...”. Tư tưởng này của Thủ tướng đã được xuyên suốt không chỉ trong các cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp thường niên, mà tôi tin là đã góp phần làm nên cuộc cách mạng mang tên Luật Doanh nghiệp – khung khổ pháp lý quan trọng mở cửa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam”, ông Lộc kể lại.

Thực ra, cơ chế Thủ tướng gặp doanh nghiệp đã được khởi động từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng không thường xuyên. Đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải, cuộc gặp Thủ tướng và doanh nghiệp đã trở thành thường niên, được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chờ đợi.

“Trong nhiều cuộc gặp, có doanh nhân đã khóc. Họ khóc vì những khó khăn trong kinh doanh, những rào cản còn vô lý và khóc bởi sự lắng nghe chân tình của người đứng đầu Chính phủ. Khi đó, với tư cách là Tổng thư ký VCCI, tôi thường được giao việc đọc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong các cuộc đối thoại với Thủ tướng. Tôi đã thấy ông lắng nghe rất chăm chú, sau đó hỏi han nhiều. Tôi tin là những khúc mắc của doanh nghiệp trong kinh doanh mà ông đã lắng nghe, đã cảm nhận được trong các cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp đã góp phần làm nên những quyết sách mang tính cách mạng của Thủ tướng trong sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 những năm sau”, ông Vũ Tiến Lộc nhớ lại.

Ông Lộc cũng tin rằng, chính sự sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, để thấy yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh doanh của Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo nên một giai đoạn cải cách mạnh mẽ của Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến thị trường, hội nhập và đặc biệt là quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ trong vòng vài năm sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, cộng đồng kinh doanh Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và cả chất lượng. Chỉ trong năm 2000, số doanh nghiệp thành lập mới đã lên tới 31.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân Việt Nam thành danh hiện tại bắt đầu khởi nghiệp trong chính giai đoạn này.

Thủ tướng “khai sinh” cộng đồng doanh nhân Việt Nam

nguyen thu tuong phan van khai nguoi tra lai ten cho doanh nhan viet
Thủ tướng Phan Văn Khải tặng cộng đồng doanh nhân Việt Nam bức ảnh Bác Hồ và giới công thương trong Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2004. Ảnh: ST

“Ông là Thủ tướng đã chính danh tên gọi doanh nhân Việt Nam ở đất nước này”, ông Vũ Tiến Lộc vẫn hay về Thủ tướng Phan Văn Khải như vậy, nhất là khi kể về Ngày doanh nhân Việt Nam.

Năm 2004, sau 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 cùng với tinh thần người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh. Mọi người bắt đầu nghĩ tới một cộng đồng, một lực lượng mới trong nền kinh tế.

“Lúc đó, cho dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu ghi những thành công nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng dường như sự thừa nhận của xã hội, đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa công bằng. Khi đó, tiêu chí thành đạt vẫn là phải là công chức nhà nước hay chí ít là làm cho doanh nghiệp nhà nước. Hình ảnh doanh nghiệp tư nhân vẫn gắn với buôn gian, bán lận. Doanh nhân bị gọi là tư thương. Thậm chí, chúng tôi còn không tìm thấy từ doanh nhân trong từ điển tiếng Việt”, ông Lộc kể lại thời điểm tìm cơ sở cho đề xuất lấy ngày 13/10 – ngày Bác Hồ gửi thư đã gửi thư tới giới công - thương Việt Nam năm 1945 là ngày doanh nhân Việt Nam.

Đây không phải lần đầu ông nhắc tới sự ra đời của Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, nhưng lần này, ông Lộc nhắc lại từng lời Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói trong ngày 13/10/2004.

“Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã nói rất rõ từng chữ. “Kể từ ngày hôm nay lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam”. Bắt đầu từ ngày này, lực lượng doanh nhân Việt Nam chính thức được gọi tên. Chúng tôi vẫn nói Thủ tướng Phan Văn Khải đã không chỉ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, phát triển, bước chân ra thế giới mà còn trả lại tên cho khu vực doanh nhân tư nhân Việt Nam”, ông Lộc nói.

Trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải là người đầu tiên nhận Cúp Thánh Gióng – Cúp doanh nhân tiêu biểu Việt Nam danh dự, mở đầu cho các hoạt động tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu sau này.

"Chúng tôi đã làm đúng như lời ông mong muốn, đó là phải tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, ghi nhận những doanh nhân đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Hoạt động tôn vinh doanh nhân tiêu biểu đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam", ông Lộc nói.

Kể từ đó, khu vực tư nhân Việt Nam đã thực sự được đặt vào đường ray phát triển mới và hiện tại đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

“Chúng tôi – cộng đồng kinh doanh Việt Nam sẽ mãi gọi ông là người trả lại tên cho doanh nhân Việt Nam”, ông Lộc trân trọng nhớ về Thủ tướng Phan Văn Khải.

Khánh An