|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Để lọt 'top 4' ASEAN, phải cải cách gấp 3 năm ngoái!

11:47 | 09/02/2017
Chia sẻ
Đó là ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong một dịp gần đây đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân cả nước. Bởi câu hỏi đặt ra là bước sang năm mới chúng ta phải nỗ lực bằng cách nào?
de lot top 4 asean phai cai cach gap 3 nam ngoai
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2016 được ghi nhận bởi nhiều nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điển hình là việc ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ đã thể hiện rất rõ quyết tâm đặt Việt Nam vào cuộc đua, cạnh tranh toàn thế giới về chất lượng môi trường kinh doanh.

Đặc biệt, với việc ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo và lấy DN là đối tượng phục vụ. Các chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ trong việc thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Luật Đầu tư, “mạnh tay” bãi bỏ nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện... đã làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 tăng lên 9 bậc so với năm trước đó, xếp thứ 82 trong số 189 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới khảo sát về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh.

Kết quả đạt được của các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói trên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thách thức năm 2017 và tiếp theo vẫn được dự báo là rất lớn.

Mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4 mà Chính phủ đặt ra là chưa đạt được và còn cách một khoảng khá lớn. Mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là một thách thức không nhỏ nếu trong những năm tới, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 DN đăng ký thành lập mới.

Vẫn còn rất nhiều quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đổi mới sáng tạo, rào cản gia nhập thị trường, làm gia tăng chi phí kinh doanh cho DN,… Đó là chưa kể việc thực thi các quy định pháp luật cũng còn yếu kém, làm gia tăng thêm thời gian và chi phí cho DN.

Với nhiều thách thức đang chờ đón phía trước, bước sang năm 2017, nếu những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chỉ được tiếp tục duy trì ở mức như năm 2016 thì chúng ta sẽ đối mặt với việc không đạt được các mục tiêu như đã đặt ra. Chính bởi vậy, để đạt được mục tiêu như mong muốn, năm 2017, đang đòi hỏi cả hệ thống quản lý phải có một quyết tâm và nỗ lực cải cách ít nhất bằng 3 lần năm trước.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, ngày 6.2.2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP với mục tiêu tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Lần này, Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Nghị quyết cũng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày);... Với hàng loạt các yêu cầu đổi mới cải cách nêu trên, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.

Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), phải cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới. Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Có thể thấy rằng khối lượng công việc được đề ra trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP rất đồ sộ để đáp ứng yêu cầu cải cách mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, những mục tiêu đó lại rất cụ thể, chi tiết để người dân, doanh nghiệp và những người có trách nhiệm dễ dàng thấy được nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nên có cơ sở để tin rằng, các mục tiêu của Nghị quyết sẽ được thực hiện.

Huy Bình