|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép trước áp lực thị trường

15:17 | 05/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016, sắt thép là mặt hàng bị kiện chống bán phá (CBPG) nhiều nhất trong số các hàng hóa công nghiệp. Thị trường lên ngành thép trong thời gian có lẽ sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi các nước nhập khẩu đang tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. 
nganh thep truoc ap luc thi truong
Năm 2016, sắt thép là mặt hàng dính kiện về chống bán phá (CBPG) giá nhiều nhất trong số các sản phẩm hàng hóa công nghiệp. Nguồn: chinaperformancegroup.com.

Ngày càng nhiều các vụ kiện

Thép Việt Nam năm 2016 liên tục bị khởi xướng điều tra bán phá giá theo đơn kiện từ một số nước lần lượt như Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Australia...

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, tính đến hết tháng 5/2016, sản phẩm thép vướng vào 25 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có 18 vụ kiện CBPG.

Tính đến nay, có 17 nước khởi kiện Việt Nam liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó, đứng đầu là Mỹ với 19 vụ, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (14 vụ), Ấn Độ (14 vụ), Liên hiệp châu Âu - EU (12 vụ), Úc (7 vụ), Brazil (7 vụ), Canada (6 vụ), Thái Lan (6 vụ), còn lại là các thị trường khác.

Đáng chú ý là tại thị trường Mỹ, nguyên nhân khiến các sản phẩm tôn mạ và CRC của Việt Nam bị kiện là do doanh nghiệp nước này nghi sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, họ đề nghị áp thuế cho những sản phẩm bị kiện của Việt Nam ngang với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ không phải thị trường nhập khẩu duy nhất nghi ngờ tình trạng né thuế CBPG của thép Trung Quốc. Sau Mỹ, thương vụ Việt Nam tại Pháp dẫn thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam vào Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan có dấu hiệu gian lận thương mại. OLAF nghi ngờ khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU dùng chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để tránh thuế CBPG.

Đối với các thị trường xuất khẩu nằm trong khối ASEAN, dù không phải là những thị trường xuất khẩu chính, nhưng sản phẩm thép của Việt Nam vẫn bị kiện thương mại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong đó, Thái Lan cũng đã có kết luận điều tra CBPG đối với các sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế dự kiến từ 7,94 - 40,49%.

Mới đây nhất ngày 26/12, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết Indonesia chính thức khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam.

Điều này cho thấy, xuất khẩu thép của Việt Nam đang ngày càng gặp khó tại thị trường nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay: "Thực tế là trong bối cảnh kinh tế thị trường, không riêng gì sản phẩm thép mà các sản phẩm khác cũng đều có nguy cơ bị kiện CBPG. Bởi vì, cùng một mặt hàng, các nước đều đang xuất là nhập một lượng đều như vậy, tư dưng có một nước xuất nhiều hơn là sẽ xảy ra kiện. Mỗi một vụ kiện thương mại thực sự rất vất vả cho doanh nghiệp trong nước. Bởi vụ kiện kiện thường kéo dài, nhiều thủ tục, hồ sơ bản câu hỏi đến cả trăm trang tiếng Anh, gần đây nhất Thái Lan họ đưa nguyên cả tập bản câu hỏi bằng tiếng Thái cho doanh nghiệp".

Cũng theo ông Khải, nhiều nước đang làm rất tốt việc dựng lên rào cản thương mại để bảo vệ hàng hóa tại thị trường nội địa còn Việt Nam hiện tại mới chỉ đang bắt đầu thực hiện.

Đối thủ mạnh nhất là Trung Quốc

Theo thống kê từ Hải Quan, sắt thép là một trong những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất với số lượng lớn nâng mức thâm hụt lên tới 6,7 tỷ USD.

Cụ thể tính đến ngày 15/12/2016, cả nước đã chi hơn 10,7 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Trong đó, phôi thép chiếm khoảng hơn 1 triệu tấn, tương đương 320 triệu USD.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chỉ được 3,2 triệu tấn thép, thu về 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.

Việc mất cân đối của trường thép khiến doanh nghiệp thép trong nước không thể cạnh tranh được với thép nhập khẩu, buộc Bộ Công thương phải vào cuộc để bảo vệ các doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ thép lớn nhất của Trung Quốc, với sản lượng thép giá rẻ đang được ồ ạt nhập khẩu về nội địa với mức giá cạnh tranh. Theo thống kê từ Hải Quan, tính đến ngày 15/12/2016, Việt Nam đã chi tới hơn 4 tỷ USD để nhập khẩu gần 10 triệu tấn thép Trung Quốc.

Ông Khải cũng cho hay: "Trên thực tế, Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có đơn vị nào sản xuất được thép HRC để làm nguyên liệu nên mỗi năm phải chi hàng tỷ USD để nhập sản phẩm này từ các nước, trong đó nhập nhiều nhất từ Trung Quốc. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thép Trung Quốc so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam đã nhập 6 triệu tấn thép Trung Quốc trong năm 2014, và con số này đã tăng lên 10 triệu tấn trong năm 2015".

Trong buổi làm việc giữa Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương và hơn 20 doanh nghiệp nhập khẩu - sản xuất thép trong nước, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh, ở bất cứ quốc gia nào, phòng vệ thương mại cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ là biện pháp khẩn cấp để bảo hộ cho sản phẩm. Nếu không có biện pháp tự vệ, ngành sản xuất trong nước có thể bị phá sản, khi đó thép từ Trung Quốc có thể thao túng giá cả trên thị trường.

Hồng Vũ

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.