|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Trung Quốc đang có mối lo lớn hơn việc Mỹ có thể tăng thuế

16:50 | 22/04/2024
Chia sẻ
Theo Reuters, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu tăng gấp ba mức thuế đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào một ngành công nghiệp vốn đang phải đối mặt với những lo ngại lớn hơn về nhu cầu nội địa suy giảm.

Tiêu thụ thép ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nguy cơ giảm trở lại trong năm nay do cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản kéo dài vẫn chưa tìm thấy đáy và do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng trưởng chậm.

Viện Nghiên cứu và Kế hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI) dự báo nhu cầu thép của nước này sẽ giảm 1,7% trong năm nay, sau khi giảm 3,3% vào năm 2023.

Trong khi xuất khẩu thép của Trung Quốc năm ngoái tăng hơn 30% lên mức cao nhất kể từ năm 2016 ở mức 90,26 triệu tấn, chiếm khoảng 9% tổng sản lượng thép thô của nước này, thì chỉ có 598.000 tấn được xuất khẩu sang Mỹ. Con số này giảm 8,2% so với năm 2022 và chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2023.

Tại thị trường Mỹ, Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ 7. Do đó, dù tăng gấp 3 lần thuế đối với nhôm và thép thì mức đó ảnh hưởng cũng sẽ dịu đi. 

Một nhà phân tích tại công ty kinh doanh thép ở Trung Quốc nói: “Chúng tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ tác động lớn nào vì các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông”. 

Được thúc đẩy bởi giá nội địa thấp, các nhà sản xuất và thương mại thép Trung Quốc đang trên đà đạt được hoặc vượt mức xuất khẩu năm ngoái. 

Công ty Lange Steel nâng dự báo xuất khẩu thép Trung Quốc năm nay vượt mốc 100 triệu tấn cho sau khi số liệu thực tế trong tháng 3 cao hơn kỳ vọng.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phàn nàn về thép giá rẻ của Trung Quốc. 

Cuối năm ngoái, Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu của Trung Quốc trong khi Mexico công bố mức thuế gần 80%. Thái Lan đã tiến hành một cuộc điều tra đối với thép cuộn nhập khẩu của Trung Quốc và các nhà sản xuất thép Brazil đang thúc giục chính phủ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu.

Báo cáo từ một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc  cho biết có khoảng 112 tuyên bố từ các quốc gia liên quan đến các động thái chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc trong năm 2023, tăng khoảng 20 tuyên bố kể từ năm 2022.

Ông David Cachot, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều xung đột thương mại hơn trong năm nay”.

Nhu cầu thép nội địa Trung Quốc vẫn yếu

Trung Quốc mới đây công bố kế hoạch hỗ trợ nâng cấp thiết bị trong lĩnh vực công nghiệp và trang trại; đẩy nhanh tốc độ thay thế ô tô và thiết bị gia dụng của người dân. Tuy nhiên, điều này khó có thể bù đắp hoàn toàn cho mức tiêu thụ thép sụt giảm từ lĩnh vực bất động sản.

Công ty tư vấn CRU Group dự báo nhu cầu thép sẽ tăng thêm từ 8 triệu đến 9 triệu tấn trong 4 năm tới nhờ chính sách này. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu và Kế hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc dự kiến ​​nhu cầu thép xây dựng sẽ giảm 20 triệu tấn, tương đương 4% trong năm nay.

Một số nhà phân tích kỳ vọng mức tiêu thụ thép dành cho cơ sở hạ tầng trong năm nay sẽ chỉ tăng từ 1% đến 2%, so với kỳ vọng trước đó là 7% đến 8%, sau khi Bắc Kinh yêu cầu hàng chục chính quyền địa phương trì hoãn hoặc tạm dừng một số dự án cơ sở hạ tầng do nhà nước tài trợ. 

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã áp đặt giới hạn sản xuất thép để giảm nguồn cung và hạn chế lượng khí thải carbon. Đồng thời những người trong ngành cho rằng cần phải cắt giảm sản lượng hơn nữa để hạn chế tình trạng dư thừa công suất.

Ông Luo Tiejun, phó chủ tịch Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) phát biểu tại một sự kiện trong tuần này ở miền nam Trung Quốc: “Ngành thép phải đối mặt với một mâu thuẫn dễ thấy – khả năng cung cấp mạnh mẽ trong khi nhu cầu suy giảm”.

Ông Luo cho biết: “Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là các công ty thép lớn phải đi đầu trong việc kiềm chế tốc độ sản xuất dựa trên nhu cầu”.

Xuất khẩu để giải cứu ngành thép nội địa?

Trong tháng 3, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng lên 9,9 triệu tấn, cao nhất trong một tháng kể từ tháng 7/2016, nâng tổng xuất khẩu trong quý đầu tiên lên 25,8 triệu ngay cả khi xuất khẩu tổng thể ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu đạt 20,3 tỷ USD. 

Giá thép xuất khẩu trung bình trong quý đầu tiên đạt trung bình 789 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá nội địa 572 USD/tấn, theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc và công ty tư vấn Mysteel. 

Đồng nhân dân tệ yếu hơn so với đồng USD, một phần do việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bị trì hoãn, cũng được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thép.

Tuy nhiên, xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn không chỉ xuất phát từ xung đột thương mại mà còn do nguồn cung ở nước ngoài ngày càng tăng và khả năng Bắc Kinh áp đặt giới hạn sản lượng.

Hiệp hội Thép Thế giới cho biết khả năng cao nhu cầu thép toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 1,7% lên gần 1,8 tỷ tấn trong năm nay.

Ông Kevin Bai, nhà phân tích của CRU Group có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Mặc dù một số quốc gia đang củng cố năng lực sản xuất của riêng mình để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng, nhưng tốc độ sẽ tăng trưởng không đủ nhanh, điều đó có nghĩa là vẫn còn chỗ cho thép từ Trung Quốc”. 

 

H.Mĩ