|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành ngân hàng được đánh giá khả quan trong năm 2020 với sự cải thiện của CAR và NIM

17:05 | 05/02/2020
Chia sẻ
Theo nhận định của BSC, tỉ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng niêm yết ở mức trung bình 11,4% trong năm 2019 và sẽ có khả năng tăng lên 12,1% trong năm 2020, theo chuẩn Basel I.

Theo báo cáo triển vọng ngành 2020 của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), các ngân hàng sẽ cần phải thực hiện tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu Basel II.

Việc tăng vốn có thể thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài.

Hiện nay, theo ước tính của BSC, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) Basel I của các ngân hàng niêm yết đang ở mức trung bình 11,4% trong năm 2019 và sẽ có khả năng tăng lên 12,1% trong năm 2020.

Cũng theo BSC, trong năm này, Vietcombank sẽ tiếp tục theo đổi kế hoạch phát hành tăng vốn cho GIC và Mizuho trong khi đó BIDV có thể sẽ phát hành cho nhà đầu tư tài chính.

CAR toàn hệ thống có khả năng tăng lên 12,1% trong năm 2020 - Ảnh 1.

Trước đó, theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 30/11/2019, vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng đạt 913.270 tỉ đồng, tăng 13,29%.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng tới 20,79% lên hơn 324.400 tỉ, chủ yếu nhờ thương vụ bán vốn với giá trị kỉ lục của BIDV. Nhóm ngân hàng tư nhân có vốn tự có tăng nhẹ hơn với 8,07%, đạt 365.473 tỉ đồng.

Theo đó, CAR của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng từ mức 9,52% hồi cuối năm 2018 lên 10,55% cuối tháng 11/2019. CAR tính chung trong nhóm ngân hàng tư nhân ở mức 10,63%.

NIM toàn ngành 2020 được dự báo cải thiện nhẹ lên 3,64%

BSC cho rằng tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ nhờ lãi suất cho vay và huy động có thể tiếp tục giảm nhẹ hỗ trợ tăng trưởng chung toàn thị trường.

Đồng thời, cơ cấu lại các khoản vay sang cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cá nhân giúp cải thiện NIM, nới trần LDR giúp giảm bớt áp lực huy động trong hệ thống.

Bên cạnh đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, sẽ hạ nhiệt sau khi các ngân hàng huy động đủ nguồn bù đắp phần thiếu hụt do việc rút tiền từ Kho bạc Nhà nước trong tháng 11/2019 và sẽ giữ ở mức thấp nhờ dự báo thanh khoản ổn định.

BSC ước tính NIM toàn ngành sẽ tăng trưởng ở mức 3,64% tại các ngân hàng niêm yết.

Giảm chi phí trích lập dự phòng nhờ cải thiện chất lượng tài sản

Bên cạnh đó, BSC cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ được cải thiện nhờ tăng trưởng tín dụng được cấp ở mức thấp giúp các ngân hàng chọn lọc các khoản vay an toàn, kiểm soát, hạn chế cho vay vào các ngành nghề rủi ro như bất động sản, các ngành sản xuất làm ăn thua lỗ.

Ngoài ra, quyết liệt xử lí nợ xấu dứt điểm, đảm bảo an toàn cho hệ thống cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng tài sản của hệ thông.

Theo BSC, đa phần các ngân hàng niêm yết đã áp dụng thành công Basel II giúp các ngân hàng hướng đến hoạt động ổn định và rủi ro thấp, nâng cao năng lực về vốn cho ngân hàng.

Việc cải thiện chất lượng tài sản sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng và tăng tỉ trọng lợi nhuận trước thuế trong tổng thu nhập hoạt động.

Từ những phân tích trên, BSC cho biết trong năm 2020, tuy thu nhập từ lãi có thể tăng trưởng ở mức 14,6%, các hoạt động thu nhập ngoài lãi (phí dịch vụ, bán chéo sản phẩm bancassurance, thu hồi từ các khoản nợ đã xóa,…) tăng trưởng mạnh cùng việc chất lượng tài sản được cải thiện giúp giảm chi phí trích lập dự phòng.

Theo đó, BSC ước tính trong năm 2020, tổng thu nhập hoạt động sẽ đạt lần lượt 325.808 tỉ đồng, tăng 15,7% so với 2019.

Với dư địa tăng trưởng cao cũng như mặt bằng định giá hiện tại vẫn còn thấp so với khả năng sinh lời của ngành, BSC giữ nguyên quan điểm khả quan với ngành ngân hàng trong năm 2020 và khuyến nghị đầu tư vào các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao.

Thu Hoài