|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành may sẽ chuyển về Mỹ?

16:32 | 27/10/2018
Chia sẻ
Ngành may đang có những động lực rất lớn để chuyển dây chuyền sản xuất về lại gần hay tại chính nơi tiêu thụ ở châu Âu và Mỹ. Theo một khảo sát của McKinsey và Đại học RWTH Aachen của Đức xu hướng này đang diễn ra và có khả năng đến năm 2025 hơn một nửa lượng áo quần bán ra ở hai thị trường này được sản xuất theo kiểu đó mà họ gọi là “nearshoring”.
nganh may se chuyen ve my
Một nhà máy dệt ở Trung Quốc.

Động lực thứ nhất là chi phí nhân công. Nếu như lương bình quân của công nhân Trung Quốc năm 2005 chỉ bằng một phần mười lương công nhân Mỹ thì nay đã rút ngắn lại còn bằng một phần ba. Chính vì thế ngành may đã chứng kiến sự dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Bangladesh, Việt Nam, Campuchia...

Nay họ nghĩ vì sao không chuyển hẳn về gần hơn nữa, chẳng hạn Mexico cho thị trường Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thị trường châu Âu. McKinsey sử dụng nhiều biến số gồm lương công nhân, chi phí vận chuyển, thuế để tính giá thành sản xuất một chiếc quần jeans rồi nhập vào Mỹ hay Đức. So với làm tại Trung Quốc, một chiếc quần jeans như thế làm tại Mexico, đưa về Mỹ sẽ rẻ hơn 12%; làm tại Thổ Nhĩ Kỳ, đưa vào Đức sẽ rẻ hơn 3%.

Rẻ hơn sản xuất tại Trung Quốc là điều thấy rõ nhưng các nhãn hiệu thời trang vẫn còn băn khoăn do làm tại Bangladesh vẫn còn rẻ hơn nữa, đến 20%.

Từ đó mới xuất hiện động lực thứ hai: thời gian thực hiện đơn hàng. Yêu cầu thực hiện đơn hàng nhanh chóng đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng do tác động của các mạng xã hội. Chẳng hạn, người tiêu dùng thấy ảnh một mẫu quần áo trên Instagram hay trên Facebook bèn lùng sục đi mua. Nếu nhà sản xuất không đáp ứng nhu cầu kiểu “bất chợt” này kịp thời, đơn hàng mất khá lâu mới nhập về, rất có khả năng họ sẽ bị tồn đọng hàng không bán được. Ngày xưa các hãng tìm cách chi phối thị hiếu ăn mặc của giới trẻ nhưng ngày nay thị hiếu đó bị tác động bởi nhiều ẩn số trên mạng xã hội. Vì thế các hãng chỉ còn biết tìm cách rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng và vận chuyển-thời trang biến đổi nhanh đã trở thành thời trang biến đổi cực nhanh. Trong khi đó, hiện nay hàng từ châu Á chuyển đến các thị trường lớn ở các nước phương Tây phải mất khoảng 30 ngày theo đường biển.

Như thế tính toán chi phí và lợi ích để quyến định sản xuất ở đâu còn phải bổ sung nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn đơn hàng thực hiện nhanh, hàng bán kịp thời đúng thị hiếu nên các hãng không cần khuyến mãi, giảm giá nữa. McKinsey cho rằng chỉ cần tăng lượng hàng bán đúng giá lên thêm 5% nữa cũng đã bù đắp chi phí nhân công cao hơn.

Động lực thứ ba là xu hướng tự động hóa dây chuyền may mặc nên chi phí công nhân không còn là điều phải cân nhắc. Trong những năm tới tự động hóa dây chuyền cắt may sẽ thay đổi các tính toán. Chẳng hạn, bây giờ thao tác may một chiếc quần jeans mất bình quân 19 phút. McKinsey và RWTH Aachen cho rằng robot sẽ cắt giảm thời gian còn từ 10 phút đến hơn 1 phút. Hiện đã có các kỹ thuật làm quần jeans kiểu xẻ (distressed jeans) chỉ mất 90 giây thay vì 20 phút như trước đây. Đến 82% các doanh nhân chuyên đặt hàng may mặc tham gia khảo sát của McKinsey cho rằng việc cắt may các loại quần áo đơn giản sẽ được tự động hóa hoàn toàn trước năm 2025.

Thật ra ngành may khá chậm chạp trong việc triển khai sản xuất tự động so với các ngành khác nhưng dựa vào tốc độ đầu tư như hiện nay, McKinsey tính toán sản xuất một chiếc quần jeans trên dây chuyền tự động tại Trung Quốc rồi nhập vào Mỹ, chi phí sau cùng vào khoảng 11,4 đô la nhưng nếu cũng dây chuyền như thế đặt tại Mexico thì chi phí giảm còn 10 đô la, chưa kể các lợi ích khác nhờ tiết kiệm thời gian và thuế má.

Một thực tế khác, ngay cả thị trường may mặc châu Á cũng đang tăng trưởng rất nhanh và cũng đòi hỏi yếu tố thỏa mãn nhanh các xu hướng thời trang “bất chợt”. Các hãng may mặc châu Á ở Trung Quốc, Bangladesh hay Việt Nam cũng phải dành năng lực sản xuất cho thị trường lân cận.

Xu hướng chuyển về sản xuất ngay trong nước đã bắt đầu từ vài năm nay, bắt đầu là các nhà sản xuất quần áo có thương hiệu cao cấp để nhấn mạnh đẳng cấp “được may ngay ở nội địa”. Burberry và một số thương hiệu khác ở Anh quyết định chuyển dây chuyền sản xuất về Anh vì nhãn “Made in England” đính trên sản phẩm trở nên yếu tố thu hút người mua hàng đắt tiền. Hugo Boss, một thương hiệu thời trang của Đức cũng bắt đầu bán các bộ sưu tập mang nhãn “Made in Germany”, toàn là sản phẩm cắt may tại Metzingen, nơi đóng trụ sở của doanh nghiệp này.

Còn với các mặt hàng trung cấp và bình dân, xu hướng “nearshoring” đang diễn ra nhưng với tốc độ chậm hơn, chịu nhiều cân nhắc hơn. Bên cạnh các động lực thúc đẩy nói trên, còn có các lực níu kéo như nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho ngành may chủ yếu nằm ở châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc. Các hãng thời trang có thể đưa dây chuyền cắt may về Mexico hay Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải mua và nhập vải cùng các nguyên liệu khác từ xa. Một khi không tiết kiệm được bao nhiêu về chi phí vận chuyển, chẳng thà họ để dây chuyền cắt may ở lại châu Á còn hơn.

Như thế lối thoát cho ngành cắt may châu Á là phải nhanh chóng tự động hóa dây chuyền càng sớm càng tốt để duy trì lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, thời gian thực hiện đơn hàng và độ tin cậy về chất lượng sản phẩm. Thậm chí Trung Quốc còn tiến xa hơn ở góc độ này khi đang rót tiền đầu tư xây các dây chuyền may mặc ở những nước còn nghèo, nhân công rẻ nhưng gần châu Âu hơn, chẳng hạn như Ethiopia.

Những ẩn số khác như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mức thuế Mỹ sẽ áp lên hàng may mặc từ Trung Quốc rốt cuộc là bao nhiêu... càng làm cho việc dự báo tương lai càng khó. Chỉ một điều nổi lên: lợi thế sẽ thuộc về dây chuyền cung ứng nào linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng-xu hướng nearshoring và tự động hóa giúp tạo dựng sự linh hoạt đó.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Phan

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.