|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

12 dự án thua lỗ: Đưa 2 dự án khỏi danh sách yếu kém, 4 nhà máy đã khôi phục hoạt động, giảm lỗ

10:47 | 27/10/2018
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Công thương, trong 6 dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. 4 dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ. 2 dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học hiện có những chuyển biến cụ thể.

Trong phiên họp Quốc hội ngày 27/10, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại phiên họp sáng 27/10, liên quan tới 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện, đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ lo lắng về phương thức giải quyết.

12 du an thua lo dua 2 du an khoi danh sach yeu kem 4 nha may da khoi phuc hoat dong giam lo
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn Bến Tre.

"Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, không thực hiện được thì nên cho phá sản. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước", ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng cho hay, có hiện tượng cài cắm trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp. Ông lo ngại việc này có khả năng tạo ra một số Vũ "Nhôm" khác, và đề nghị các cơ quan vào cuộc.

Ông Nhưỡng cho hay, thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương vẫn giẫm châm tại chỗ. Đi khảo sát nhà máy tơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn tơ sợ lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ đồng tiền khấu hao. Lỗ như vậy thì có cần thiết giữ lại hay không?

Với dự dự án gang thép Thái Nguyên, ông Nhưỡng cho biết, dự án này đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa.

"Cần có ngay thể chế, chính sách bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường kiểm toán, thanh tra, điều tra", đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông Đồng cho rằng vụ việc Mỹ - Trung đã bộc lộ bản chất là cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần tuý thương mại, vì vậy cần xác định đây là cuộc chiến lâu dài đối với cả hai bên.

“Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt và phụ thuộc nhiều vào hai thị trường này, trong đó có vấn đề Biển Đông đang rất phức tạp nên chịu tác động rất lớn từ cuộc đối đầu trên, dễ thấy nhất là chịu sự rủi ro về thương mại, tiền tệ và dòng vốn", ông Đồng nhận định.

Tuy nhiên, vị đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng Việt Nam có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế - tức là có thể trở thành "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.

“Đây là thời điểm nhạy cảm đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải hoá giải được tình thế lưỡng nan cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm được những rủi ro”, ông Đồng nói.

Giải trình tại phiên họp sáng nay, trong đó có nói về 2 vấn đề mà đại biểu tỉnh Bến Tre và Quảng Trị nêu ra ở trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết:

12 du an thua lo dua 2 du an khoi danh sach yeu kem 4 nha may da khoi phuc hoat dong giam lo
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thứ nhất, về tái cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương có đề án với 9 nhiệm vụ lớn. Trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo là động lực tăng trưởng của nhiều năm nay, 2017 tăng trưởng hơn 14%, nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định chứ không phụ thuộc vào một số ngành. Dệt may đứng thứ 7 thế giới, da giày thứ 3 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu, thủy sản thứ 4, đồ gỗ đứng thứ 5 về xuất khẩu. Đã hình thành một số tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng nhắc đến một số doanh nghiệp lớn có đóng góp lớn cho nền kinh tế và xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng, mặc dù khu vực FDI vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng trong năm 2017, 2018, khu vực có vốn đầu tư trong nước đã có bước phát triển nhanh, cách biệt giữa hai khu vực trong nước và nước ngoài đã có chuyển dịch tích cực.

"Chúng ta cũng đã quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp, hình thành một số trung tâm công nghiệp theo các ngành; thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa các thị trường thương mại, xuất khẩu tới gần 200 quốc gia, riêng nông sản tới 180 quốc gia. 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Chất lượng hàng hóa ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới - hiện cũng không còn thị trường nào dễ tính nữa", Bộ trưởng Công thương cho biết.

Bộ trưởng cũng phân tích thêm về cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và cho biết, Chính phủ rất quan tâm, các bộ ngành nghiên cứu, phối hợp thường xuyên và báo cáo Chính phủ, từ đó khai thác tốt cơ hội và hạn chế các nguy cơ. Liên quan tới vấn đề này, do thời gian phát biểu hạn chế nên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin phép sẽ gửi báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, về 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công thương, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý.

"Các dự án này cần được xử lý trong khung khổ luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế", Bộ trưởng Công thương khẳng định.

Theo Bộ trưởng, các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ cơ bản đạt một số kết quả tích cực. 6 dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. 4 dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ.

Hai dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khánh Hà