|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành massage Thái Lan lao đao vì dịch COVID-19

12:01 | 13/07/2020
Chia sẻ
COVID-19 không những giáng đòn mạnh lên ngành du lịch của Thái Lan, mà còn làm cho ngành dịch vụ massage, spa và vật lí trị liệu nổi tiếng tại đây lao đao.
Ngành Massage Thái Lan lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Được chính phủ "bật đèn xanh" cho mở cửa trở lại từ tháng 6 với điều kiện tuân thủ các qui tắc giãn cách xã hội, các tiệm massage, spa tại Thái Lan vẫn chật vật tìm cách sống sót qua dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters).

Ngành massage truyền thống của Thái Lan đang buộc phải tự tái cơ cấu trong thời kì COVID-19. Với những qui định hạn chế tiếp xúc giữa người với người và đeo khẩu trang, rõ ràng đại dịch đã khiến các nhân viên trị liệu ở "Xứ sở nụ cười" khó khăn thể hiện đặc trưng thân thiện mến khách.

Vì dịch bệnh, sự hấp dẫn của trải nghiệm massage nổi tiếng của Thái trong mắt khách hàng, cũng như vai trò trụ cột cuối cùng khi các nền công nghiệp khác của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, đang dần mai một.

Ông Wiboon Utsahajit - Chủ tịch Tập đoàn Siam Wellness với khoảng 70 tiệm massage và spa – phát biểu: "COVID-19 không giống cuộc khủng hoảng nào mà chúng tôi từng trải qua. Hệ thống của chúng tôi đã phải thay đổi cách vận hành, lắp đặt thêm các thiết bị khử trùng bằng tia cực tím mỗi phòng phục vụ với đầy đủ dụng cụ vệ sinh và bảo vệ sức khỏe.

Chủ tịch Siam Wellness Group nói chi phí tăng thêm trong khi lượt khách hàng sử dụng dịch vụ lại giảm mạnh.

Theo Bloomberg, dù các cửa hàng massage được phép mở cửa trở lại vào tháng trước với điều kiện tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội, nhiều người dân địa phương vẫn đang e dè với loại hình dịch vụ này. Ngày 1/7, Thái Lan cũng đã mở cửa biên giới để đón khách du lịch trở lại.

Ngành Massage Thái Lan lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Hình ảnh đìu hiu bên trong một cơ sở spa ở Bangkok vào ngày 1/7, ngày chính phủ nước này chính thức mở cửa đón khách du lịch trở lại. (Ảnh: GETTY).

Ngành massage đóng vai trò lớn

Massage, spa và trị liệu y tế là những dịch vụ không thể thiếu đối với ngành du lịch chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế Thái Lan ước tính khoảng 10.000 cửa hàng massage đang hoạt động tại đất nước này. Riêng 2.800 spa hạng sang trọng đạt doanh thu tới 1,3 tỉ USD.

Ngành công nghiệp massage đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Thái Lan, năm 2017 dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe tại đây đã tạo ra khoản thu 12 tỉ USD theo Global Wellness Institute (GWI) - lớn hơn cả Indonesia và Malaysia cộng lại.

Cũng theo GWI, khoảng 530.000 người lao động Thái làm việc trực tiếp trong ngành, tương đương với 1,4% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 2,6% GDP mỗi năm.

Somprawin Manprasert - nhà kinh tế trưởng tại Bank of Ayudhya – nhận xét: "Dịch vụ massage là dịch vụ tiêu tốn nhiều sức lao động, trong khi nhóm kĩ năng trang bị cho nhân viên lại rất khó giúp họ chuyển sang công việc khác".

Mặt khác, ông Somprawin nói thêm rằng, mức cạnh tranh trong ngành cũng tương đối cao do có nhiều tiệm massage dọc khắp Thái Lan, dẫn đến một số nơi sẽ chật vật sống sót qua dịch.

Ngành massage từng giúp Thái Lan vực dậy qua nhiều thử thách. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, Chính phủ Thái Lan đã chú trọng đến ngành dịch vụ này, giúp đỡ lượng lớn lao động thất nghiệp bấy giờ có công ăn việc làm bất kể trình trình độ học vấn.

Ngành massage cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Đại suy thoái 10 năm sau đó, khi đó Thái Lan đã đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá các cơ sở spa hạng sang, dịch vụ du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe như một "hoạt động xuất khẩu của quốc gia".

Siam Wellness là một chuỗi các tiệm massage, spa và vật lí trị liệu ra đời vào năm 1998, sau lần "chắp cánh" của chính phủ Thái Lan, đã bành trướng thành một công ty niêm yết với doanh thu 44 triệu USD trong năm 2019.

Hiện Chủ tịch Siam Wellness Group, ông Wiboon cho biết tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng nhiều cửa hàng hơn ở Trung Quốc vì hoạt động du lịch tại Thái Lan giảm mạnh.

"Phần lớn nhân viên massage của chúng tôi đều đã về quê sau khi chính phủ yêu cầu cơ sở đóng cửa", ông Natthawipa Sangkakit – sở hữu một tiệm massage và spa gia đình tại Bangkok – tiết lộ với Bloomberg.

Ông cho biết, dù các cơ sở kêu gọi nhân viên quay trở lại, do số lượng khách hàng giảm, nhiều người có thể sẽ ở lại quê thử kiếm các công việc khác.

Ngành Massage Thái Lan lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Khách hàng sử dụng dịch vụ massage, spa tại Thái Lan chủ yếu là người địa phương. (Ảnh: GETTY).

Khách hàng vắng dần

Khó khăn này chồng thử thách khác, ngành massage Thái Lan đang đối mặt viễn cảnh mông lung cho tương lai hậu đại dịch.

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch từ bỏ các hình thức du lịch đại chúng, chỉ tập trung vào thu hút lượng khách du lịch giàu và các dịch vụ du lịch xa xỉ giai đoạn hậu đại dịch.

Chủ trương ấy sẽ chẳng giúp ích gì cho những người lao động trong ngành massage vốn đang co dần vì COVID-19. Phần lớn tiệm massage ở Thái Lan là các cơ sở nhỏ và vừa, với mức phí dao động 3-10 USD/giờ với lượng khách hàng chủ yếu là người địa phương.

Dù chính phủ "bật đèn xanh", nhiều cơ sở massage vẫn còn loay hoay giữa việc tuân thủ qui tắc an toàn sức khỏe cùng các trở ngại về tình hình du lịch, vốn chưa từng xảy ra trong các cuộc suy thoái trước đây. Các tiệm massage tại Thái phải tuân thủ khoảng cách ít nhất 1,5 mét giữa mỗi khách hàng, đồng thời, sử dụng các phòng riêng biệt cho một số dịch vụ điều trị nhất định.

Hơn 140.000 nhân viên trị liệu đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp dưới hình thức "lao động không chính thức" theo báo cáo của chính phủ Thái Lan. Con số này chưa bao gồm đến nhóm người lao động xin trợ cấp thất nghiệp dưới dạng công việc khác vì lí do cá nhân, nhóm nhân viên massage là người lao động nước ngoài hay các nhân viên làm công ăn lương ở các cơ sở spa sang trọng tại khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Nhà kinh tế trưởng của Bank of Ayudhya, ông Somprawin, nhận định: "Hạn chế đi lại sẽ giới hạn số lượng người nước ngoài đến với Thái Lan, trong khi thị trường nội địa eo hẹp dần bởi mức thu nhập giảm và hành vi chi tiêu thận trọng hơn".

Điêu Quân/ Theo Bloomberg