|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty lao đao vì cuộc chiến giữa các đối tác: Bài học nhớ đời của doanh nhân Thái lập nghiệp trên đất Việt

07:10 | 08/07/2020
Chia sẻ
Cuộc chiến giành thị phần giữa các đối tác gây nên tình trạng loạn giá, đẩy một doanh nghiệp Thái Lan vào tình thế nguy cấp trong bối cảnh họ phải vay tiền ngân hàng để tồn tại.

Veeraphong Sawatyanon, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam, sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh ngư lưới cụ ở Thái Lan. Khi chưa sang Việt Nam, ông từng nghĩ đây là quốc gia rất lạc hậu, đi sau Thái Lan hàng chục năm. 

Vì thế, khi gia đình cử Veeraphong sang Việt Nam để khai phá thị trường mới, ông khá tự tin. Song thực tế khác hẳn suy nghĩ của Veeraphong Sawatyanon. Thị trường Việt Nam rộng và thách thức hơn nhiều so với tưởng tượng của ông Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã thất bại tại đây.

"Văn hóa khác biệt. Khách hàng khó tính. Thâm nhập thị trường, tạp dựng tín nhiệm với khách hàng là bài toán khó", Veeraphong kể.

Công ty lao đao vì cuộc chiến giữa các đối tác: Bài học nhớ đời của doanh nhân Thái lập nghiệp trên đất Việt - Ảnh 1.

Veerapong Sawatyanon, người sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam. Ảnh: VTV1

Thành lập công ty ở Việt Nam rồi gặp ngay khó khăn

Khát khao chinh phục, vào năm 1995, Veeraphong đăng kí thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, với mục tiêu trở thành công ty Thái Lan đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán ở quốc gia láng giềng.

Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam áp dụng công nghệ trong mọi hoạt động quản lí, điều hành, với khao khát tạo ra đột phá về doanh thu trong 5 năm đầu tiên. Tình hình đang diễn biến thuận lợi, đột nhiên khủng hoảng kinh tế bao trùm toàn cầu trong năm 1998. 

Ở Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia hứng chịu tổn thất nặng nề nhất bởi khủng hoảng. Lao đao vì biến cố, công ty mẹ ở Thái Lan ngừng cấp vốn cho chi nhánh ở Việt Nam khi Siam Brothers Việt Nam đang trên đà chuẩn hóa mọi qui trình. 

Quyết định của công ty mẹ đẩy Veeraphong vào tình trạng cô lập, phải tự xoay sở để bảo đảm sự tồn tại của công ty. Ông vay vốn ngân hàng để tiếp tục vận hành, giao hoạt động kinh doanh cho một người đồng hương để dành thời gian cho việc xử lí những vấn đề mâu thuẫn nội bộ.

Tình hình tiếp tục xấu hơn. Năm 2000, Siam Brothers Việt Nam lọt vào danh sách những doanh nghiệp nước ngoài thua lỗ nhiều nhất ở Việt Nam. Bên cạnh chiến lược bán hàng không hiệu quả, sự cạnh tranh thị phần giữa các đối tác bán lẻ cũng khiến công ty lao đao vì nó gây rối loạn thị trường.

"Đúng lúc ấy, hàng loạt sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, Malaysia tràn vào Việt Nam, gây nên tình trạng phá giá. Đối mặt với bài toán nan giải, tôi mất hết năng lượng và không còn đủ tự tin để ra quyết định", ông thổ lộ.

Thông tin cơ bản về Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam. Video: Siam Brothers Việt Nam

Rồi Veerapong Sawatyanon nhớ đến câu châm ngôn: “Dựa vào núi, núi sẽ lở. Dựa vào sông, nước chảy đi. Dựa vào người, người đi mất. Dựa vào mình, vững trăm năm”. Nhận thấy không thể trông chờ khả năng xoay chuyển tình thế của người đồng hương, ông nhận lại mảng kinh doanh.

Chấm dứt cuộc chiến giữa các đối tác

Không chỉ xử lí dứt điểm mâu thuẫn nội bộ, Veerapong dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu văn hóa, thói quen của người Việt Nam rồi điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Ông hiệu rằng chia lại thị phần phải là việc mà ông thực hiện đầu tiên. 

"Thay vì gặp riêng từng đối tác, tôi mời mọi đối tác cùng ngồi với nhau để thống nhất lại thị phần, công khai mức giá và mức chiết khấu cùng mọi quyền lợi kèm theo. Mặc dù ban đầu nhiều đối tác phản đối, song cơ chế minh bạch hóa thông tin, nỗ lực dẹp loạn giá đã giúp công ty ổn định dần thị trường.

Với các đối thủ, Siam Brothers Việt Nam không cạnh tranh về giá, mà chú trọng nâng cao chất lượng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông tới người tiêu dùng để họ hiểu những ưu điểm của sản phẩm, sẵn sàng tạo điều kiện để khách hàng dùng thử sản phẩm.

Nhờ điều chỉnh đúng hướng, công ty khôi phục dần niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu và sản phẩm. Doanh thu tăng dần và tới năm 2002, công ty bắt đầu có lãi.

Năm 2017, Veerapong hiện thực hóa giấc mơ đưa công ty lên sàn chứng khoán. Hiện tại, công suất của Siam Brothers Việt Nam đạt 12.000 tấn mỗi năm, đạt doanh thu 500-600 tỉ đồng mỗi năm.

"Bản thân tôi rất tự hào với các đồng hương vì là một trong những doanh nhân Thái thành công ở Việt Nam. Nhiều doanh nhân đã hỏi ý kiến tôi trước khi đầu tư sang thị trường Việt Nam", ông thổ lộ.

Nhạc Phong