|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành đường lại chật vật trong cơn bão giá

14:11 | 04/04/2019
Chia sẻ
Niên vụ 2018/2019 đánh dấu là năm thứ ba liên tiếp ngành đường tiếp tục gặp khó khăn trước tình hình giá cả thị trường và điều kiện thời tiết bất lợi.

Ngành đường gặp khó trong ba năm liên tiếp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, cả nước có tổng cộng 36 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn mía/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995.

Tổng diện tích mía trên toàn quốc đạt khoảng 300.000 ha, gấp tới 10 lần so với năm 1995. Sản lượng đường trung bình mỗi năm khoảng 1,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2018/2019 đánh dấu là năm thứ ba liên tiếp ngành đường tiếp tục gặp khó khăn trước tình hình giá cả thị trường và điều kiện thời tiết bất lợi.

Giá đường vẫn ở mức thấp, phổ biến khoảng 10.500 đồng/kg đối với đường kính trắng RS. Nguyên nhân chủ yếu là tồn kho lớn trong khi đường nhập lậu vẫn chưa giảm. Đáng chú ý, giai đoạn 2014 - 2018, đường lỏng nhập khẩu tăng hơn 3 lần từ 46.000 tấn lên 140.000 tấn.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho hay đến ngày 15/3, có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại. Tinh luyện được khoảng 150.000 tấn đường từ nguyên liệu đường thô nhập khẩu. Tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho vụ trước lớn, cộng cả tồn kho vụ trước và hiện nay khoảng 75%.

Do tác động của kết quả sản xuất kinh doanh niên vụ 2017/2018, thị trường giá cả trong nước và quốc tế, giá mía nguyên liệu và diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết đã làm cho mía trổ cờ sớm và sâu bệnh nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh.

Ông Doanh cho hay ước thực hiện niên vụ 2018-2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. 

Dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019-2020 sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2018-2019, diện tích còn khoảng 220.000 ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ 2018-2019.

Ngành đường lại chật vật trong cơn bão giá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cần hạ giá thành sản xuất

Về giải pháp tổng thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành mía đường phải giải quyết được 4 vấn đề gồm giảm giá thành tối đa ở tất cả khâu; nâng giá trị tối đa ở tất cả nhóm sản phẩm; có chính sách phù hợp nhất với WTO; có sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng hoàn toàn nhất trí với các giải pháp, kiến nghị của VSSA về khâu xây dựng giống ba cấp, đổi mới hệ thống canh tác, cơ giới hóa đồng bộ các khâu,  minh bạch chữ đường và chất lượng đường, nếu cần thiết Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ và VSSA phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho ngành mía đường.

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, ngành mía đường không chỉ đơn giản là hạt đường mà còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác. Đơn cử như bã mía, không chỉ để làm nguyên liệu phát điện mà có thể làm giá thể trồng nấm, phân bón hữu cơ, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế có khi còn cao hơn rất nhiều giá trị từ hạt đường.

Đức Quỳnh