Ngành đường Jamaica yếu kém, chưa thể sản xuất đường tinh luyện
Lượng đường thấp do nhiều khó khăn trong sản xuất và chất lượng mía kém
Theo dự tính, trong vụ 2020/2021, Jamaica sẽ sản xuất được 48.000 tấn đường từ 596.000 tấn mía, giảm 20% so với niên vụ 2018/2019. Lượng đường trong ba năm vừa qua có xu hướng giảm chủ yếu do qui trình sản xuất gặp nhiều vấn đề như máy móc cũ kĩ và kém hiệu quả, giá nguyên liệu đầu vào cao, chất lượng mía thấp, khó khăn về nhân lực do mức lương ít ỏi. Bên cạnh đó, hai nhà máy Monymusk và Golden Grove phải đóng cửa do kiện tụng, chi phí sản xuất không ổn định và nợ nhiều.
Hiện tại, Jamaica chỉ sản xuất được đường thô do không có đủ khả năng làm đường tinh luyện. Chính phủ Jamaica đang khuyến khích và áp dụng các cơ chế giúp tư nhân tận dụng đất trồng mía cũ để phát triển các giống cây trồng khác.
Trong niên vụ 2019/2020, đường thô và đường tinh luyện được tiêu thụ trong nước đạt lần lượt 46.000 tấn và 68.000 tấn. Tiêu thụ bình quân đầu người ổn định ở mức khoảng 37,2kg/người/năm.
Bộ Y tế & Sức khỏe, cùng Tổ chức Tim mạch Jamaica với chiến dịch quốc gia nói về những ảnh hưởng xấu của việc sử dụng quá nhiều đường kết hợp quảng bá lối sống khỏe mạnh khuyến khích người dân giảm lượng đường sử dụng.
Nhiều nhà máy bắt đầu cắt giảm lượng đường trong một số đồ uống và bánh ngọt. Đồng thời áp thuế cho các loại đồ uống ngọt, dẫn đến giảm lượng tiêu thụ đường trong ngành thực phẩm tại nước này.
Xuất khẩu biến động do EU thay đổi chính sách
Dự thảo Đường mía của Liên minh châu Âu (EUSP) cho phép các nước châu Phi, vùng Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (ACP) (trong đó có Jamaica) xuất khẩu đường thô sang EU mới mức giá cao, đồng thời nhập khẩu đường thô cho sản xuất trong nước với mức giá thấp.
Tuy nhiên năm 2009, dự thảo này được thay thế bằng Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế (EPA), giảm chênh lệch giữa giá đường trên thị trường quốc tế với các nước thuộc ACP. Năm 2013, Chính sách Nông nghiệp chung của EU cũng xóa bỏ giá ưu đãi áp dụng cho các nước ACP trước đó, đồng nghĩa với việc Jamaica phải cạnh tranh công bằng với các nhà sản xuất khác. Hiện tại, đường được sản xuất tại Jamaica được tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang thị trường Mỹ với hạn ngạch định trước và sang EU ngay cả khi giá thấp.
Do sản xuất giảm trong ba năm gần đây, dự tính lượng đường xuất khẩu niên vụ 2020/2021 đạt 13.000 tấn. Jamaica dự tính hoàn thành hạn ngạch thuế quan đường (TRQ) cho Mỹ trong năm 2019/2020. Do không đủ khả năng làm đường tinh luyện, Jamaica dự tính sẽ nhập khẩu chủ yếu từ Guatemala, Colombia và Uruguay để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Hiện nay, có ba công ty sản xuất đường được Chính phủ Jamaica cấp giấy phép quảng bá sản phẩm của chính họ gồm Pan Caribbean, Campari, Worthy Park thay vì thông qua công ty chuyên về thị trường đường - Jamaica Cane Products Sales (ngừng hoạt động từ năm 2018).
Do chi phí lưu kho cao nên các nhà sản xuất chỉ dự trữ khoảng 4.000 tấn đường thô. Các nhà nhập khẩu cũng cất trữ đường tinh luyện với một số lượng nhất định.
Chính phủ nỗ lực phát triển ngành đường
Bộ Công nghiệp, Thương mại, Nông nghiệp và Thủy sản (MICAF) tập trung điều phối các chính sách chỉ đạo hoạt động sản xuất đường tại Jamaica. Thêm vào đó, Cơ quan ngành Mía đường (SIA) có chức năng quản lí các vấn đề về phân bổ, nghiên cứu, phát triển, giám định và tiếp thị.
Chiến lược Mía đường Jamaica (JCS) là chính sách giúp các nhà sản xuất đáp ứng được những thay đổi của thương mại quốc tế. Cụ thể, JCS I (2009-2015) được xây dựng để tương thích với chính sách sửa đổi của EU về xuất khẩu đường từ các nước ACP, khiến giá đường xuất khẩu giảm 36%.
Sau đó, MICAF cập nhật JCS II (2016-2020) nhằm giảm thiểu rủi ro và cung cấp hướng đi mới, giúp tăng doanh thu cho ngành đường. Ngoài ra, chính sách cũng đề cập đến việc nghiên cứu sản xuất ethanol, đường tinh luyện và đẩy mạnh số lượng các sản phẩm cao cấp gồm rượu và đồ uống có cồn.
Chi tiết báo cáo thị trường đường Jamaica (bản tiếng anh) tại đây: