|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành đường Costa Rica còn loay hoay với nhiều khó khăn

09:00 | 30/04/2020
Chia sẻ
Năng suất ổn định trở lại, nhu cầu tiêu thụ cao nhưng ngành mía đường của Costa Rica vẫn gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng mía và sản lượng giảm. Các nhà sản xuất chủ yếu là hộ nông dân nhỏ, giá mía thấp trong khi chi phí sản xuất cao và thiếu hụt lao động.
Ngành đường Costa Rica còn loay hoay với nhiều khó khăn - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoa)

Giá đường thấp, chi phí sản xuất lớn

Theo Hiệp hội mía đường Costa Rica (LAICA), sản lượng mía nước này đã giảm liên tục kể từ khi đạt mức cao kỉ lục 4,4 triệu tấn trong vụ 2013/2014.  Dự báo thu hoạch mía niên vụ 2019/2020 đạt trên 4 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 431.000 tấn, giảm 2,4% so với niên vụ trước. 

Năng suất mía trung bình của quốc gia này trong niên vụ 2019/2020 cũng ước đạt 73,4 triệu tấn/ha, không thay đổi nhiều so với con số 73,8 triệu tấn/ha trong vụ 2018/2019.

Năng suất đường tại khu vực phía Bắc và phía Nam rất tốt trong vụ trước, đạt 109,85 kg/tấn mía và niên vụ 2019/2020 vẫn ở mức khá cao khoảng 108,2 kg/tấn mía. Do đó, sản lượng đường sẽ sụt giảm ít hơn nếu thu hoạch mía không đạt kì vọng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn khá lo lắng bởi giá đường thấp trong khi chi phí sản xuất cao. 

Costa Rica dự kiến xuất khẩu 220.000 tấn đường trong vụ 2019/2020, tăng 6% so với cùng kì năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu chính bao gồm Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Bahamas. Trong đó, lượng đường Mỹ nhập khẩu bao gồm cả hạn ngạch của WTO, hạn ngạch theo Hiệp định thương mại CAFTA-DR và đường nhập tái xuất.

Ngược lại, Costa Rica chủ yếu nhập khẩu đường trắng từ Brazil, đạt gần 8.000 tấn trong năm 2019, cao gấp 1,3 lần so với năm 2015. Nhập khẩu tiếp tục tăng lên bất chấp mức thuế bảo hộ trong nước tăng cao. Trong khi đường nhập khẩu chủ yếu để tiêu thụ trong nước.

Ngành công nghiệp mía đường có đề nghị Chính phủ Costa Rica áp thuế bổ sung để hạn chế nhập khẩu đường từ Brazil và Bộ Công thương vẫn đang xem xét vấn đề này.

Diện tích trồng mía có thể không tăng trong vụ 2020/2021, đạt khoảng 55.000 ha. Ngoài tỉnh Guanacaste, khu vực trồng mía vẫn chịu áp lực từ các ngành trồng trọt khác ở những nơi khác. Nông dân cũng chịu áp lực kinh tế do giá mía thấp, chi phí sản xuất lớn và một số trường hợp ảnh hưởng từ việc thắt chặt luật lao động và di cư gây ra thiếu hụt lao động nước ngoài.

Tổ chức LAICA ước tính niên vụ 2020/2021, sản xuất đường tăng 2% lên khoảng 440.000 tấn, thời tiết được kì vọng tốt hơn năm 2019 khi lượng mưa trở về mức bình thường.

Nhu cầu tiêu thụ đường cao, sản xuất nhỏ lẻ

Niên vụ 2018/2019, lượng tiêu thụ đường của Costa Rica đạt 230.000 tấn và dự kiến tăng lên 235.000 tấn vào niên vụ 2019/2020. Lượng tiêu thụ không tăng nhiều trong những năm gần đây do dân số không phát triển nhanh. 

Tuy nhiên, mức tiêu thụ đường bình quân đầu người tại quốc gia này khá cao, khoảng 46,3 kg/người. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ trực tiếp chiếm 43%, công nghiệp chiếm 57%, theo dữ liệu năm 2018/2019.

Theo Hiệp hội mía đường LAICA, số lượng hộ trồng mía giảm từ 7.830 hộ niên vụ 2013/2014 còn khoảng 6.292 hộ vào năm hiện tại. Số lượng mía giảm khiến các nhà sản xuất lâm vào tình cảnh khó khăn. Ngành công nghiệp đường của Costa chủ yếu gồm các nhà sản xuất nhỏ với 90% là nông dân, cung cấp dưới 500 tấn đường cho các nhà máy.

Việc xây dựng một kênh tưới mới ở tỉnh Guanacaste tiếp tục chậm trễ, ảnh hưởng tới mở rộng diện tích trồng mía. Trong khi đó, các nhà máy đường khu vực miền Trung cố gắng giữ diện tích trồng không bị sụt giảm, bởi các yếu tố cạnh tranh từ việc đô thị hóa, giá đất cùng chi phí sản xuất và thiếu hụt lao động đang cản trở sản xuất đường. Một vài nhà máy nhỏ phải dừng hoạt động vì khó khăn tài chính. 

Chi tiết báo cáo thị trường đường Costa Rica (bản tiếng anh) tại đây:

HP