Ngành chế biến thủy sản Trung Quốc suy yếu
Ảnh: Seafood Source
Báo cáo được công bố bởi Bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc cho biết các nhà sản xuất thủy sản nước này đang đứng trên bờ vực của sự suy thoái.
Mặc dù có qui mô tương đối lớn, trên thực tế ngành thủy sản không có nhiều tiềm năng vì lợi thế chính là chi phí lao động thấp nhưng đây chính là vấn đề ngành này mắc phải. Phần lớn nguyên liệu chế biến được nhập khẩu từ các công ty nước ngoài.
Báo cáo cho biết: "Thu nhập của người dân Trung Quốc ngày càng cao có nghĩa là sản xuất hàng hóa với công nghệ và chi phí thấp sẽ bị loại bỏ ở Trung Quốc và được sản xuất thay thế ở các quốc gia khác có nền kinh tế kém phát triển hơn".
Dự đoán này không hề bất ngờ cho bất cứ ai theo dõi nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái là lần đầu tiên lực lượng lao động nước này kí hợp đồng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cuộc cải cách kinh tế vào năm 1979. Tiền lương cho lực lượng lao động Trung Quốc tăng cao và số dân trong độ tuổi lao động ngày một già đi.
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ của chính phủ (chủ yếu thông qua giảm thuế) đã giúp các nhà chế biến thủy sản Trung Quốc đứng vững trên thị trường.
Tuy nhiên, khi mối quan tâm của chính quyền địa phương chuyển từ tạo công ăn việc làm sang vấn đề thiếu lao động, họ không còn ưu tiên mở rộng các cơ sở chế biến thủy sản.
Các nhà máy chế biến thủy sản có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự như những ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc khi chính phủ luôn hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường.
Giải pháp nào cho ngành thủy sản Trung Quốc
Các giải pháp được đề xuất bởi Bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc nhìn thẳng vào các vấn đề mà đa số các công ty chế biến gặp phải đối với vấn đề tài chính: đầu tư vào công nghệ và mở rộng bán hàng trên thị trường nội địa. Giải pháp ưu tiên hàng đầu là cắt giảm chi phí lao động và thứ hai là mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Thay vì giải pháp cạnh tranh về giá mà hầu hết các công ty trong lĩnh vực này đang áp dụng, các công ty chế biến Trung Quốc cần tăng cường xử lí để tăng giá trị cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi phải có sự đầu tư và câu hỏi đặt ra là cách thức xử lí nào phù hợp với thị trường Trung Quốc mà sản phẩm tươi luôn là ưu tiên hàng đầu.
Đối với các công ty có kinh phí để thực hiện điều đó, giải pháp có khả năng thành công, ví dụ như những gì mà công ty Guolian Aquatic đã làm với dòng cá da trơn Việt Nam và cá rô phi nuôi tại địa phương.
Công ty đã xoay vòng để bán các sản phẩm đó ở thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ chuỗi nhà hàng lẩu và các thị trường đại chúng khác đòi hỏi đầu vào cá giá rẻ.
Guolian đã phát triển các sản phẩm chế biến cho ngành thực phẩm và đồ uống Trung Quốc tại trung tâm R&D lớn ở Thượng Hải và đầu tư vào một số cơ sở chế biến mới cho các sản phẩm tôm và cá đóng gói để tạo đà tăng trưởng tương lai.
Sự bùng nổ của nhượng quyền thương mại thực phẩm và tạp hóa tại các thành phố khu vực Trung Quốc có nghĩa là có nhu cầu về các sản phẩm như Guolian đang nghiên cứu và phát triển tăng cao.
Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động chế biến thủy sản ở Trung Quốc đều có sự hỗ trợ tài chính cần thiết để đảm bảo thực hiện những cải cách lớn như vậy.
Và đối với vấn đề về nguồn cung được nhắc tới trong báo cáo của Bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc, tài liệu này khẳng định các nhà chế biến Trung Quốc quá phụ thuộc vào qui trình tái xử lí đối với nguồn cung thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài.
Nếu như không có thay đổi nào, tính khả thi của các giải pháp sẽ không lớn vì chi phí lao động tiếp tục tăng cao và các hợp đồng chế biến thủy sản luôn tập trung vào xuất khẩu mà không chú trọng vào thị trường nội địa đang phát triển.
Dữ liệu năm 2018 cho thấy hoạt động kinh doanh chế biến thủy sản của Trung Quốc vẫn không thay đổi ở mức 24,04% tổng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2018. Trong khi sản lượng giảm 3,13% so với cùng kì xuống 577.000 tấn, tổng giá trị tăng 4,68% lên 29,72 tỉ USD.
Trong đó, các hợp đồng chế biến chiếm 100.500 tấn, giảm 3,29% về khối lượng nhưng tăng 5,92% về giá trị so với cùng kì lên 692 triệu USD. Đối với thủy sản được mua và nhập khẩu bởi các nhà chế biến Trung Quốc để tái sản xuất, con số này đã giảm 3,10% về khối lượng và tăng 4,31% về giá trị.
Tham vọng của Trung Quốc về kiểm soát ngành chế biến thủy sản nhập khẩu có giá trị cao đòi hỏi phần lớn sản phẩm được chế biến trong thị trường nội địa và tập trung chủ yếu vào các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của ngành thực phẩm và đồ uống đang bùng nổ của Trung Quốc (tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm trong 5 năm qua).
Ví dụ như cá da trơn Việt Nam hoạt động tốt trong trong chuỗi nhà hàng lẩu. Mực nhập khẩu từ Argentina được chế biến thành các gói snack khô bán ở mọi trạm xe buýt và xe lửa trên khắp Trung Quốc. Tôm cũng là một sản phẩm đa năng có nhu cầu cao ở Trung Quốc.
Báo cáo nhấn mạnh rõ đội tàu đánh bắt thủy sản ảnh hưởng như thế nào đến số phận của ngành chế biến Trung Quốc. Một ví dụ, thành phố Phúc Châu tuyên bố có 13 công ty khai thác với 432 tàu đánh bắt trên khắp thế giới, tổng cộng chiếm 250.560 tấn thủy sản trị giá 2,17 tỉ nhân dân tệ (tương đương 323,1 triệu USD) vào năm 2018.
Các thành phố như Phúc Châu mong muốn phát triển một cụm công nghiệp xung quanh đội tàu của họ với thủy sản sẽ được cập cảng và chế biến trong nước. Ý tưởng đó được đặt ra với hi vọng tạo ra nhiều giá trị hơn ở thị trường nội địa với các công ty Trung Quốc sở hữu sản phẩm thay vì hợp đồng chế biến khác.
Bất kì nhà máy chế biến nào đều phải tìm cách cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường nội địa. Nếu các công ty chế biến Trung Quốc không thực hiện quá trình chuyển đổi này, ngành thủy sản nước này phải đối mặt với một tương lai mờ mịt, báo cáo kết luận.