|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu sẽ tăng gấp đôi sản lượng nuôi trồng thủy sản vào năm 2030

20:15 | 22/12/2018
Chia sẻ
Liên hiệp các nhà sản xuất thủy sản châu Âu (FEAP) đã đặt mục tiêu tới năm 2030, sản lượng thủy sản nuôi trồng của EU sẽ đạt 4,5 triệu tấn; gần gấp đôi sản lượng hiện tại là 2,3 triệu tấn.
 
chau au se tang gap doi san luong nuoi trong thuy san vao nam 2030 EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với nông thủy sản sau Brexit
chau au se tang gap doi san luong nuoi trong thuy san vao nam 2030

Phát biểu tại hội nghị FEAP ở Brussels ngày 29/11, Chủ tịch Marco Gilmozzi, cho biết việc tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm có nguồn gốc bền vững ở châu Âu.

"Chúng ta cần phải có hi vọng," ông Gilmozzi nói, "Nuôi trồng thủy sản sẽ là một ngành có năng lực cạnh tranh toàn cầu bền vững nếu được quản lý tốt".

Dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,8 tỷ vào năm 2050 và nhiều ngư trường trên thế giới đã chạm mức khai thác bền vững tối đa, vì vậy nuôi trồng thủy sản phải phát triển để đáp ứng hơn 2/3 nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới.

Ông Gilmozzi đồng thời là Tổng giám đốc trang trại cá COSA ở Tuscany, Ý, cho biết “Đây sẽ là cơ hội để châu Âu tăng tỉ trọng thủy sản nuôi trồng vì hiện nay mới chỉ chiếm 25% tổng sản lượng thủy sản trong khu vực”.

Các nước châu Âu tiếp tục tăng nhập khẩu thủy sản hơn là sản xuất. Theo thống kê của FEAP, thâm hụt thương mại thủy sản hiện tại là hơn 20 tỉ euro.

FEAP kì vọng bằng cách làm cho thị trường châu Âu trở nên độc lập hơn, có thể giảm áp lực tài nguyên đối với các nước kém phát triển hiện đang xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm của họ sang EU.

Mặc dù là một trong những nguồn đạm từ nuôi trồng tốn ít nguồn tài nguyên nhất, nhưng thủy sản nuôi ở châu Âu trong những năm gần đây ít được quảng bá. Hơn nữa do lo ngại tác động đến môi trường xung quanh nên việc xin cấp phép nuôi ở một số nơi thực sự khó khăn.

Ông Jamie Smith, Giám đốc kỹ thuật của Tổ chức các nhà sản xuất cá hồi Scotland (SSPO), lưu ý rằng một phần của khó khăn trong việc truyền đạt lợi ích của nuôi trồng thủy sản nằm ở sự thiếu minh bạch trong quá trình nuôi.

Khi dân số của châu Âu thay đổi, ông Smith nói thêm, có thể nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi giá trị sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ông Bernhard Friess, Giám đốc chi nhánh Hàng hải và Nghề cá của Ủy ban châu Âu, khẳng định rằng người nuôi cá cần phải tích cực hơn trong việc truyền đạt lợi ích của sản phẩm tới công chúng.

Theo Phó chủ tịch FEAP Lara Barazi, hiện tại châu Âu có hơn 14.000 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với 85.000 người lao động.

Theo bà Barazi, khi FEAP ban đầu được thành lập, nuôi cá nước ngọt là mục tiêu duy nhất; nhưng nuôi biển vẫn phát triển mạnh, chiếm 75% tổng sản lượng nuôi thủy sản của các thành viên FEAP. Cá hồi Đại Tây Dương vẫn là loài nuôi phổ biến nhất, đặc biệt ở những vùng nước lạnh ở châu Âu, chiếm 93% trong số 1,67 triệu tấn sản lượng cá hồi.

Cá tráp và cá vược chiếm lần lượt 49% và 45% tổng sản lượng nuôi của khu vực Địa Trung Hải với sản lượng khoảng 317.000 tấn, trong khi cá hồi nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất (78%) tổng sản lượng nuôi nước ngọt 354.000 tấn.

Xem thêm

Ngọc Ánh