|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Luật Thủy sản 2017 sắp có hiệu lực - Bài 1: Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên biển

15:59 | 22/12/2018
Chia sẻ
Ngày 1/1/2019 tới đây, Luật Thủy sản 2017 sẽ chính thức có hiệu lực với những quy định chi tiết, cụ thể đối với các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Với một địa phương dựa nhiều vào việc phát kinh tế biển như Cà Mau, đây rõ ràng là cơ hội để sắp xếp, quy hoạch lại quản lý, đưa kinh tế thuỷ sản phát triển ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, nghề khai thác và đánh bắt thuỷ sản tại Cà Mau đang đối mặt với nhiều khiến sản lượng không chỉ sụt giảm mà còn đe doạ đến tính bền vững của môi trường biển.

luat thuy san 2017 sap co hieu luc bai 1 nguy co can kiet tai nguyen bien
Việc khai thác quá mức như thời gian qua đã khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN

Bài 1: Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển

Là một trong 28 tỉnh thành vùng duyên hải của cả nước, Cà Mau có tiềm năng phát triển kinh tế thuỷ sản rất lớn.

Cà Mau không chỉ có vùng biển rộng trên 71.000 km2 với nguồn hải sản phong phú, mà còn có khoảng 240km2 diện tích rừng ngập mặn, bãi bồi, là nơi sinh trưởng và phát triển của các loài hải sản.

Cũng từ đó, ngành khai thác hải sản đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Tuy nhiên, với việc khai thác quá mức như thời gian qua đã khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt…

Với đặc trưng địa hình, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển càng tăng lên khi tại các vùng cửa sông, cửa biển hiện nay có hàng nghìn miệng đáy; trong đó, có hàng trăm miệng đáy cạn, chủ yếu tận thu các loài thủy sản nhỏ.

Ông Nguyễn Tấn Biểu, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, những năm gần đây, lượng tôm, cá giảm hẳn.

Lượng tàu cá ngày càng nhiều, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều phương tiện khai thác theo kiểu tận diệt, đánh bắt luôn cá nhỏ.

Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời nhìn nhận, hiện địa phương khoảng 70% là tàu đánh bắt xa bờ. Riêng năm 2017, sản lượng đánh bắt của địa phương đạt hơn 110.000 tấn thuỷ sản.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, đối với khu vực ven bờ, nguồn lợi thủy sản đã suy giảm nhiều so với trước.

Đặc biệt là các loài cá lớn có giá trị kinh tế cao đã gần như không còn xuất hiện trong vài năm gần đây; trong đó, có thể kể đến như: cá đường, đuối đen, đù sóc, cá gộc, cá chim trắng, cá dứa, cá gúng...

Ngoài ra, đối với khu vực biển xa bờ thì sản lượng khai thác gần như đã đến ngưỡng giới hạn, do khai thác quá mức, không có hạn ngạch và kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu mua và số lượng tàu phát sinh.

“Khi số lượng tàu ngày càng tăng thì ngư trường khai thác càng bị thu hẹp, sản lượng khai thác ngày càng giảm. Biểu hiện chính của điều này là những năm gần đây ngư dân thường sử dụng các ngư cụ cấm đánh bắt như: xung điện, kích thước mắt lưới nhỏ... để khai thác tận thu, thậm chí nhiều ngư dân còn vào vùng cấm để đánh bắt trộm hoặc đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài”, ông Đỗ Chí Sĩ nhận định.

Theo đánh của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hiện việc thanh tra chuyên ngành thủy sản để quản lý hoạt động của các tàu cá đối với các khu vực vùng biển ven bờ và vùng lộng thì lực lượng của tỉnh tương đối ổn, đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, đối với vùng khơi thì điều kiện về tàu, con người và chế độ chính sách chưa đáp ứng được.

Một thực tế khác nữa chính là đảm bảo môi trường và phát triển bền vững tài nguyên biển hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề này, ông Đỗ Chí Sĩ chia sẻ thêm, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, vượt ngoài khả năng của địa phương.

Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm xói lở bờ biển gây mất đất, mất rừng đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân ven biển.

Đồng thời, chất thải trong sản xuất, nhất là các khu công nghiệp và trong sinh hoạt của người dân đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước nói chung và môi trường biển nói riêng.

Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh tính toán lại nhằm quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện hành nghề biển.

Qua đó, ngành chức năng đang xem xét, cân nhắc có nên tiếp tục phân cấp quản lý hay tập trung về một đầu mối quản lý. Bởi trong nhiều năm qua, những phương tiện có công suất dưới 20CV đều do cấp huyện quản lý và thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng tích cực phối hợp với các cơ quan như: cảnh sát biển, hải quân và các lực lượng khác hỗ trợ cho các địa phương để kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường dự thảo kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 36 Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây thực sự là căn cứ quan trọng để thuỷ sản Cà Mau phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn sắp tới.

Xem thêm

Huỳnh Anh