Siết chặt khai thác thủy sản
Phê duyệt giải pháp khắc phục 'thẻ vàng' của EU về khai thác thủy sản | |
Thủy sản Việt Nam sẽ mất thị trường EU nếu không khắc phục thiếu sót về IUU |
Ngày 15-12 tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017 và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020.
Giám sát nguồn gốc
Tại hội nghị, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản, cho biết Luật Thủy sản 2017 gồm 9 chương và 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2013. Trong đó, luật bổ sung chương kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của lực lượng này.
Nguồn gốc hải sản sẽ được giám sát chặt trong thời gian tới |
Luật Thủy sản 2017 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Điều này khẳng định tổ chức, cá nhân Việt Nam đi khai thác ở ngoài vùng biển, ngoài việc phải đáp ứng các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật nước sở tại còn phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật cũng quy định thêm những hành vi cấm như khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biển từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại…
Theo bà Huệ, luật mới cũng quy định cảng cá có trách nhiệm xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được chuyển tải lên, thu nhận nhật ký khai thác, báo cáo từ thuyền trưởng, chủ tàu. Ngoài ra, luật còn quy định tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải cập vào cảng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ định. Luật cũng giao Bộ NN-PTNT công bố tàu cá vi phạm quy định đánh bắt bất hợp pháp, chỉ định cảng cá có đủ điều kiện xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…
Một trong những điều quan trọng của Luật Thủy sản 2017 là bổ sung quy định các hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp (IUU) và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm. Luật mới cũng đã sửa đổi mức trần phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, với mức tối đa đối với cá nhân là 1 tỉ đồng, tổ chức là 2 tỉ đồng.
Đẩy mạnh nuôi công nghiệp ngoài khơi
Đại diện 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước dự hội nghị đã đề nghị đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhận xét trước đây, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chủ yếu tận dụng ven bờ. Tuy nhiên, hiện vùng biển ven bờ của hầu hết các tỉnh, thành miền Trung đã nhường chỗ cho du lịch nên cần tính đến việc nuôi trồng thủy sản ở ngoài khơi.
"Nếu không nuôi biển được thì phải sang nước ngoài mua nguyên liệu về chế biến. Việt Nam có tới 28 tỉnh, thành có biển, muốn đất nước phát triển thì địa phương có biển phải phát triển" - ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cũng cho rằng nếu muốn ngành thủy sản phát triển thì phải đẩy mạnh lĩnh vực nuôi biển. "Kiên Giang là địa phương điển hình tạo điều kiện cho doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp. Trong khi nuôi cá tra 7 tháng thu được 1 USD thì nuôi cá biển trong 7 tháng lại thu được 5 USD. Thế tại sao không nuôi cá biển để có thu nhập cao hơn?" - ông Dũng nêu vấn đề. Theo ông, Việt Nam đứng thứ 3 về thủy sản trên thế giới nhưng lại đứng thứ 10 về ngành nuôi biển nên phải phấn đấu phát triển lĩnh vực này.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận do không có thị trường nên việc nuôi biển công nghiệp thời gian qua chưa được đầu tư mạnh mẽ. "Muốn phát triển lĩnh vực này cần có lộ trình phù hợp và phải có thị trường tiêu thụ thì mới bền vững" - thứ trưởng nhìn nhận.
Cấp bách khắc phục "thẻ vàng"Chiều cùng ngày, tại Đà Nẵng, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản, cho biết từ năm 2010 đến nay, 1.340 tàu cá với 11.028 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép đã bị bắt giữ, xử lý. Sau khi bị Ủy ban châu Âu cảnh báo "thẻ vàng" về IUU, vẫn có nhiều tàu cá vi phạm, trong đó có 16 tàu với 118 ngư dân bị bắt và xử lý. Bà Phan Thị Huệ cho rằng để giải quyết tình trạng này, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra người chủ đưa tàu thuyền ra nước ngoài đánh bắt vì đó là hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Ngoài ra, các tàu vi phạm cần phải cấm khai thác, mua bán, tiêu thụ, chế biến hải sản đánh bắt trái phép. Theo ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, ngư dân không muốn ghi lại nhật ký khai thác, đánh bắt vì sợ lộ ngư trường. Chính vì thế, các ngành chức năng cần tuyên truyền mạnh để họ hiểu và thực hiện việc ghi nhật ký khai thác. Nhật ký khai thác cần đơn giản để tạo thuận lợi cho ngư dân thực hiện. |