'Mây đen' bắt đầu kéo đến ngành thủy sản trong quí I
Giá cá tra, tôm đồng loạt lao dốc trong tháng tháng 3
Tuần cuối tháng 3, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường giảm giảm 1.500 - 2.000 đồng/kg so với tuần trước đó xuống trung bình 22.500 - 24.000 đồng/kg. Nếu so với cùng kì năm ngoái, mức giá này giảm 5.500 - 6.100 đồng/kg.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, trong tháng 3 có xu hướng rớt giá khá mạnh chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800- 900 g/con), giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, do chưa có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, theo đà suy giảm của cá thịt, giá cá tra giống cũng có xu hướng đi xuống, giá cá giống tại một số vùng xuống thấp, mẫu 30 con/kg chỉ ở mức 25.000 đồng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo năm 2019 sản lượng thu hoạch cá tra đạt khoảng 1,45 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2018.
Đối với thị trường tôm, trong tháng 3 giá tôm sú sống tại chợ có xu hướng giảm sau nhiều ngày tăng liên tục trước và sau Tết Nguyên đán. Giá tôm sú ướp đá cũng giảm do các đơn hàng xuất khẩu đầu năm chưa cao nên doanh nghiệp giảm giá thu mua.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú sống cỡ 20 - 40 con/kg giảm 40.000 - 70.000 đồng/kg so với tháng trước, dao động ở mức 190.000 - 300.000 đồng/kg; tôm sú ướp đá cỡ cỡ 20- 30 con/kg giảm 30.000 đồng/kg đạt 145.000-215.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá tăng 6.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước (cỡ 60 con/kg: 108.000-110.000 đồng/kg; cỡ 70 con/kg: 98.000-100.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg: 86.000-88.000 đồng/kg).
Cục Xuất Nhập khẩu cho hay trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hai nhóm hàng chủ lực là tôm và cá tra đều có lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi xuất khẩu các nhóm hàng khác như cá đông lạnh, surimi, cá khô, bạch tuộc, cá đóng hộp... lại tăng.
"Như vậy, có thể thấy trong các tháng đầu năm 2019 xuất khẩu tôm vẫn gặp khó khăn do tồn kho tôm trên thị trường vẫn ở mức cao và giá tôm thấp", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Vẫn chưa hết khó với thẻ vàng
Cục Xuất nhập khẩu cho hay tháng 3 xuất khẩu thủy sản đạt 148.000 tấn, trị giá 630 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 9,76% về trị giá so với tháng tháng 3/2018. Tính chung quí I, xuất khẩu thủy sản ước đạt 411.200 tấn, trị giá 1,74 tỉ USD, giảm 4,3% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong các tháng của quí II.
Ảnh minh họa
Tại cuộc họp báo thường kì quí I, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: "Quan điểm của Bộ NN&PTNT là cố gắng sớm xoá bỏ thẻ vàng với hải sản xuất khẩu. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân không để xấu hơn tình hình "thẻ vàng".
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho hay phía EU đề nghị khắc phục một số vấn chính nhằm gỡ thẻ vàng.
Thứ nhất, về khung pháp lý đặc biệt là triển khai Luật Thuỷ sản. Thứ hai là hệ thống giám sát tàu cá, Tổng cục Thuỷ sản đang nỗ lực chuyển đổi hệ thống để đáp ứng đúng quy định.
Thứ ba, câu chuyện là phải triển khai trên thực tế sau khi có văn bản. Ông Luân cho rằng đây là vấn đề rất nan giải, sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản thông tin về truy xuất nguồn gốc hiện nay đang triển khai rất tốt, có những tín hiệu nỗ lực . Hiện nay đã khắc phục được tình trạng vi phạm tàu cá sang đánh bắt tại quốc đảo.
"Ngành thuỷ sản đã và đang coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, nỗ lực tối đa để đạt được kết quả cao nhất, sớm thoát khỏi thẻ vàng", ông Luân nói.
Coi chừng thị trường Ấn Độ...
Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng thủy sản nội địa bằng cách đẩy mạnh thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất giống. Trong đó, hiện có 4 trại sản xuất giống với năng lực sản xuất 250.000 con cá giống nước ngọt và 4.350.000 con tôm giống đã được đi vào xây dựng. Ngoài ra, các trại sản xuất ở Kulathupuzha và Kanatharkulam đã được Chính phủ phê duyệt hỗ trợ 49 triệu rupee và 95 triệu rupee cho giai đoạn hai.
Ấn Độ cũng đã phê duyệt kế hoạch cải thiện các nguồn nước chưa được sử dụng để dùng cho nuôi trồng thủy sản với dự kiến sẽ có 700 cơ sở nuôi lồng được hưởng lợi từ kế hoạch này. Bên cạnh đó, nước này dự định sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh nuôi tôm sú truyền thống tại Tây Bengal, Kerala và Karnataka nhằm đẩy mạnh thương mại tôm sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt trong Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 - sự kiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản tại Nhật Bản.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định: "Như vậy, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Ấn Độ khi xuất khẩu thủy sản (đặc biệt là mặt hàng tôm sú) sang thị trường truyền thống của mình là Nhật Bản".