Ngân hàng Việt chi tiền tỉ thuê sếp ngoại
Để giành phần thắng trong cuộc chiến chiếm lĩnh “miếng bánh” trên thị trường nhất là mảng bán lẻ, hàng loạt ngân hàng Việt đang đua nhau tuyển thêm nhân sự nước ngoài vào các vị trí chủ chốt.
Phải “chịu chi” mới hút được sếp ngoại
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một trong ba ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất nước, mới đây lần đầu tiên tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự cao cấp người nước ngoài. Cụ thể ngày 15-12, nhà băng này đã bổ nhiệm ông Eiji Sasaki có quốc tịch Nhật Bản làm thành viên HĐQT kiêm nhiệm phó tổng giám đốc. Vị lãnh đạo người Nhật này từng là giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực châu Á của Ngân hàng Mizuho.
Trước đó không lâu, ngân hàng quốc doanh này cũng chiêu mộ ông Thomas William Tobin có quốc tịch Canada về làm giám đốc điều hành khối dịch vụ bán lẻ. Vị chuyên gia nước ngoài này đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và các thị trường tương đồng với Việt Nam. Ông cũng từng trải qua nhiều vị trí quản lý cao cấp tại HSBC và nhiều tổ chức khác.
“Trách nhiệm của tôi là áp dụng kinh nghiệm gần 30 năm làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là mảng ngân hàng bán lẻ để giúp Vietcombank chuyển đổi thành công khối bán lẻ” - ông Thomas William Tobin chia sẻ.
Vietcombank, một trong ba ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất nước lần đầu tiên bổ nhiệm nhân sự cao cấp người nước ngoài là ông Thomas William Tobin làm giám đốc. Ảnh: TL |
Không chỉ Vietcombank mà hàng loạt ngân hàng khác cũng thuê “tướng” người nước ngoài. Chẳng hạn Techcombank đã thuê ông Paul Simon Morris về đảm nhận vị trí điều hành cao nhất, tổng giám đốc. Các nhà băng khác như VIB, ACB, Eximbank… đã tuyển dụng người từ các ngân hàng nước ngoài vào ban quản trị nhằm tăng cường phát triển mảng cho vay cá nhân, vay tiêu dùng.
Làn sóng bổ nhiệm sếp ngoại mạnh mẽ nhất có lẽ là VPBank. Sau khi trải qua một loạt cuộc cải cách, hiện nhà băng này có tới một nửa ban điều hành là người nước ngoài. Những người này đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn tại VPBank như giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, giám đốc khối vận hành, ban giám đốc khối quản trị rủi ro.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, việc ngân hàng trong nước thuê sếp ngoại là một xu hướng tất yếu, nhất là trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tuy vậy, để thu hút sếp ngoại, các nhà băng phải “chịu chi”. Chẳng hạn với những nhân sự cao cấp như giám đốc điều hành dịch vụ bán lẻ, quản trị rủi ro dày dạn kinh nghiệm, từng thành công ở các ngân hàng toàn cầu… thù lao vào khoảng 5-7 tỉ đồng mỗi năm, thậm chí cao hơn.
Lãnh đạo ngân hàng thương mại tiết lộ: Đối với vị trí tổng giám đốc của ngân hàng mức lương không dưới 25.000 USD/tháng, tương đương hơn 575 triệu đồng/tháng. Thậm chí có ngân hàng còn mời gọi sếp ngoại về làm với mức lương lên tới 8 tỉ đồng/năm.
“Nói chung, với năng lực thực sự của mình, chỉ cần làm đúng luật, xây dựng một ngân hàng đúng nghĩa vì cộng đồng, vì doanh nghiệp… thì mỗi năm một tổng giám đốc nhà băng có thể bỏ túi ngót nghét chục tỉ đồng rồi. Như vậy đến khi về hưu, những vị tổng giám đốc ngân hàng cũng trở thành triệu phú đôla rồi” - vị tổng giám đốc này chia sẻ thêm.
Tác động tích cực
Chia sẻ về việc tuyển dụng nhân sự cấp cao người nước ngoài, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định: “Chúng tôi có chiến lược phát triển lâu dài mảng dịch vụ bán lẻ. Do vậy chúng tôi kỳ vọng các chuyên gia nước ngoài như ông Thomas William Tobin với trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, am hiểu về thị trường sẽ là tiền đề tốt cho sự phát triển đột phá của mảng bán lẻ. Đây là một quyết định quan trọng của ngân hàng nhằm tạo sự đổi mới”.
Đại diện một ngân hàng khác cũng giải thích nhân sự người nước ngoài có trình độ không chỉ mang đến cho ngân hàng nội kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức đa quốc gia mà còn được giao những sứ mệnh quan trọng khác. Ví dụ họ có thể huấn luyện, chuyển giao công nghệ, thay đổi phong cách quản lý và làm việc theo hướng mở, tiên tiến, với các suy nghĩ tích cực… cho nhân viên tại ngân hàng Việt. Đây là điều tốt cho ngân hàng lẫn người vay tiền.
Cầu nối với thế giớiChính những chuyên gia tài chính nước ngoài sẽ trở thành cầu nối giữa các ngân hàng Việt Nam với thế giới. Bởi các nhà băng Việt Nam hiện vẫn đang ở trong trạng thái “cô đơn”. Nghĩa là một số nhà băng Việt dù có một vài chi nhánh ở Myanmar, Lào, Campuchia… nhưng vẫn chưa thực sự tham gia sâu rộng vào sân chơi tài chính quốc tế. Do vậy cần những người có kinh nghiệm làm công việc đưa ngân hàng Việt thâm nhập thị trường rộng lớn này. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng |
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng nhận xét việc mời các chuyên gia nước ngoài vào những vị trí chủ chốt trong ngân hàng là điều rất cần thiết và sẽ có tác động rất tích cực cho hệ thống ngân hàng Việt. Bởi hiện nay không ít ngân hàng Việt còn thiếu những người có năng lực hoặc chưa được đào tạo một cách bài bản.
Hơn nữa, việc chiêu mộ chuyên gia nước ngoài với trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dạn sẽ thúc đẩy quá trình phát triển ngân hàng nhanh hơn, lành mạnh hơn. Quan trọng hơn là tư duy, nhận thức, tuân thủ pháp luật của các chuyên gia nước ngoài là rất tốt.
Tuy vậy, ông Hiếu cũng cho rằng nếu vấn đề quản trị doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, mở rộng thị phần… được xem là thế mạnh của các chuyên gia nước ngoài thì vấn đề xử lý nợ xấu lại chính là điểm yếu của họ. Nguyên nhân là do vấn đề nợ xấu ở nước ta có liên quan đến rất nhiều yếu tố như chất lượng tài sản, môi trường kinh doanh, thẩm định chất lượng tài sản, định giá tài sản bảo đảm… Do đó các chuyên gia nước ngoài khó có thể góp phần giải quyết được nhiều trong vấn đề này.
Việt Nam là điểm đến của nhiều chuyên gia nước ngoàiMột khảo sát của HSBC công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy 35% chuyên gia nước ngoài nói rằng làm việc tại Việt Nam giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn so với tại quê nhà. Theo đó, thu nhập trung bình của các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là 103.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình của toàn cầu. Đáng lưu ý là số lượng chuyên gia nước ngoài có thu nhập hơn 200.000 USD/năm chiếm 14%. Như vậy, lương chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam có thể dao động từ hơn 2,2 tỉ đến 4,5 tỉ đồng/người/năm. “Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, vì vậy không có gì là bất ngờ về việc đất nước này trở thành một điểm đến hứa hẹn cho nhiều chuyên gia nước ngoài đang tìm kiếm cả cơ hội và thách thức để phát triển sự nghiệp của họ” - HSBC nhận định. |