Ngân hàng thêm gánh nặng, doanh nghiệp thêm vốn rẻ
Ngân hàng thêm gánh nặng, doanh nghiệp thêm vốn rẻ |
Cần định hướng dòng vốn lãi suất thấp vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều việc làm và có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: hoạt động tại một đơn vị sản xuất sản phẩm cơ khí xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh: A.Đ.
Quyết định hạ các lãi suất điều hành 0,25%/năm và đặc biệt là cho giảm tối đa 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND với một số lĩnh vực, ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực kể từ ngày hôm nay (10-7).
Gánh nặng đặt lên vai ngân hàng
Có thể đây không hẳn là một quyết định được Ngân hàng Nhà nước đưa ra dựa vào tình hình khách quan về cung cầu trên thị trường tiền tệ và tín dụng tại thời điểm này, mà đó là một hành động giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vẫn quyết tâm cố gắng đạt mục tiêu GDP sẽ tăng 6,7% trong năm 2017.
Lạm phát đã tăng tốc vào cuối năm ngoái và vượt 5% vào tháng 1-2017 (so với cùng kỳ năm ngoái) do Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế...
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại liên tục từ tháng 2 cho đến nay.
Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm đã xuống còn 4,15% và lạm phát vào tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái là 2,55%. Áp lực lạm phát suy giảm giúp Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay.
Nhưng giảm lãi suất sẽ có hệ lụy đến các cân đối vĩ mô khác trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải theo đuổi mục tiêu ổn định tỉ giá.
Thách thức chính sách này không nhỏ khi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải dự phòng cho việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tiếp tục lộ trình tăng lãi suất đối với đồng USD.
Sau hai lần tăng vừa qua, Fed được dự báo là còn điều chỉnh tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Mà như vậy, về nguyên lý, giá đồng USD sẽ tăng lên.
Để ổn định tỉ giá, lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam vẫn phải ở mức hấp dẫn để người dân duy trì gửi tiền đồng vào các ngân hàng.
Chính vì vậy mà trong quyết định mới này, Ngân hàng Nhà nước đã không có thay đổi gì đối với trần lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam.
Vậy, việc điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa các ngân hàng sẽ phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.
Gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng được đặt chính lên ngành ngân hàng thông qua quyết định giảm lãi suất của NHNN.
Tránh vốn chảy theo kênh... quan hệ
Trong các lãi suất được điều chỉnh giảm, việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn (tối đa 0,5%/năm) có tầm quan trọng lớn nhất.
Mục tiêu của việc này là nhằm giảm chi phí vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn.
Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp hơn, đó sẽ là tác động tích cực nhất cho nền kinh tế.
Hầu hết các nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình trong khu vực đều có mức lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa điều chỉnh cho lạm phát) thấp so với Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần được vay vốn với chi phí thấp hơn.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng phải lưu ý rằng kênh tín dụng hấp dẫn nhất và tạo lợi nhuận cao nhất cho các ngân hàng hiện nay là tín dụng tiêu dùng.
Nếu lãi suất cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp không hấp dẫn thì các ngân hàng có thể còn đẩy mạnh hơn cho vay tiêu dùng và các lĩnh vực khác mà lãi suất là theo thỏa thuận.
Còn lượng tín dụng với giá rẻ cũng có nguy cơ sẽ không theo tín hiệu thị trường mà được phân phối cho các doanh nghiệp lớn theo chỉ định.
Thậm chí, nó sẽ chảy dựa trên quan hệ, đặc biệt là khi chính sách lãi suất thấp hơn không dựa trên mặt bằng lãi suất chung, mà chỉ dành cho một số ngành ưu tiên cụ thể.
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa vào biện pháp hành chính để đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng những quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất.
Nhưng về trung và dài hạn, trần lãi suất cùng với tín dụng chỉ định sẽ không phải là hình thức tốt để phân bổ vốn hiệu quả.
Có khi nó còn làm méo mó thêm thị trường, gây áp lực tăng nợ xấu, tạo bong bóng giá tài sản, nhất là bong bóng bất động sản.
Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm, nhưng cũng tuyên bố không tăng trưởng bằng mọi giá.
Theo tôi, mục tiêu quan trọng hơn cần đạt được (bằng mọi giá) là lạm phát bình quân từ 4% trở xuống.
Duy trì lạm phát thấp và gia tăng niềm tin vào mục tiêu kiểm soát lạm phát là giải pháp căn cơ để giảm lãi suất một cách bền vững.
Ngoài ra, cần tăng tốc độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Lãi suất cho vay sẽ giảm được một cách căn bản và tín dụng sẽ đến với nền kinh tế thực nếu các ngân hàng không phải dành quá nhiều nguồn lực và tín dụng mới để nuôi nợ xấu.
Hàng loạt ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay
Theo khảo sát sáng nay, nhiều ngân hàng thương mại như VPBank, LienVietPostBank, Eximbank, VietinBank, Agribank đã nhanh chóng có động thái giảm lãi suất ... |
'Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế'
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu ... |
Lãi suất đồng loạt giảm, ai hưởng lợi?
Ngân hàng Nhà nước đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. |