|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng hút vốn ngoại nhờ EVFTA: Có thể tăng nhưng không nhiều

08:58 | 24/02/2020
Chia sẻ
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, qui định về nới room trong EVFTA khá tương đồng với lộ trình mở cửa ngành ngân hàng đã được Thủ tướng thông qua, do đó nó sẽ tác động đến dòng vốn vào lĩnh vực ngân hàng nhưng không phải là quá nhiều.

Thông tin về việc Hiệp định EVFTA đang tiến dần tới những bước cuối cùng và có khả năng sẽ sớm có hiệu lực đầu năm 2020 đang tạo một cơn sóng lạc quan cho giới kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực được hưởng lợi trong đó có ngành ngân hàng.

Theo Hiệp định EVFTA, trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank).

Theo giới phân tích, EVFTA là một hiệp định có các cam kết ở mức cao hơn so với WTO trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, cam kết này chỉ có thời hạn hiệu lực trong 5 năm.

Ngân hàng hút vốn ngoại nhờ EVFTA: Có thể tăng nhưng không nhiều - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Nhận định về những ảnh hưởng của qui định này tới dòng vốn ngoại vào ngành ngân hàng Việt, Chuyên gia Tài chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc EVFTA được thông qua sẽ tác động đến dòng vốn vào lĩnh vực ngân hàng nhưng không phải là quá nhiều.

Việc EVFTA được thông qua sẽ tác động đến dòng vốn vào lĩnh vực ngân hàng nhưng không phải là quá nhiều.

Chuyên gia Tài Chính TS. Cấn Văn Lực

Ông chỉ ra ba nguyên nhân chính gồm:

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng đã mở cửa lâu nay và đã cho phép các ngân hàng nước ngoài sở hữu đến 30% vốn cổ phần các ngân hàng trong nước. Một số trường hợp cụ thể có thể trên 30% nếu có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, trong đề án phát triển Chiến lược ngành ngân hàng đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã kí vào năm 2018, đã có lộ trình về việc nới room đối với sở hữu nước ngoài của các ngân hàng có yếu tố nhà nước. Theo đó, các nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu tới 35% đối với ba ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và BIDV và có thể sở hữu tới 49% đến năm 2025.

Điều đó khá là khớp với lộ trình mở cửa của EVFTA, cho phép các ngân hàng châu Âu sở hữu tới 49% vốn đối với hai ngân hàng thương mại cổ phần ngoại trừ 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Thứ ba, dư địa cho các ngân hàng châu Âu sở hữu vốn tại các ngân hàng thương mại của Việt Nam đang còn rất nhiều. Bởi vì, tính tới thời điểm hiện tại gần như chưa có hoặc có rất ít các ngân hàng châu Âu đang sở hữu hoặc sở hữu rất ít cổ phần tại các ngân hàng Việt. Trước đây họ đã có, do họ thay đổi chiến lược kinh doanh, họ đã thoái vốn gần hết.

"Với mức độ nới room lên 49% và chỉ ở hai ngân hàng cổ phần thì rõ ràng nó là không nhiều và chắc gì ngân hàng châu Âu đã dùng hết ngay room đó. Do đó, qui định trong EVFTA là có tác động nhưng không nhiều", chuyên gia nói.

Chuyên gia cũng cho biết nhóm ngân hàng cổ phần sẽ là những ngân hàng được hưởng lợi từ qui định mới này. Nhưng khả năng hợp tác giữa hai bên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiêu chí đánh giá của nhà đầu tư ngoại và các nhà băng Việt. 

Ông nhấn mạnh rằng việc lựa chọn đầu tư cũng phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của ngân hàng châu Âu. Những ngân hàng Việt có năng lực tài chính lành mạnh, quản trị điều hành tốt,... sẽ là một trong những đích ngắm của các nhà đầu tư.

"Tuy nhiên, có những ngân hàng chấp nhập rủi ro, thậm chí họ có thể tham gia vào những ngân hàng đang tái cơ cấu, yếu kém. Tại những ngân hàng này, tỉ lệ sở hữu cho phép có thể là không hạn chế", ông chia sẻ.

Diệp Bình

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.