|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng giảm tỷ trọng trái phiếu DN trong cơ cấu tín dụng, cân đối chi phí dự phòng rủi ro

13:30 | 06/09/2023
Chia sẻ
Theo phân tích của ACBS, các ngân hàng đang có xu hướng giảm tỷ trọng TPDN trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã chậm trả lãi và gốc của những trái phiếu này. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang có xu hướng cân đối chi phí dự phòng rủi ro nhằm duy trì lợi nhuận.

Tỷ trọng TPDN trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng giảm xuống

Theo Chứng khoán ACB (ACBS), ngân hàng hiện đang là trái chủ lớn nhất, nắm giữ khoảng 3,4% tổng dư nợ TPDN đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng).

Tính đến quý II/2023, dư nợ TPDN chiếm 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, giảm so với tỷ lệ 2,5% vào cuối năm 2022. Trong số này, TPDN bất động sản chiếm một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng của các ngân hàng. 

 

Mặc dù Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép ngân hàng mua lại TPDN đến hết 31/12/2023 để thực hiện cam kết (nếu có) đối với các trái phiếu đã bán ra trước đó, ACBS nhận thấy hầu hết các ngân hàng đã giảm tỷ trọng TPDN trong bối cảnh rủi ro tín dụng của các nhà phát hành vẫn đang ở mức cao. 

Tính đến cuối quý II/2023, tỷ lệ nợ xấu danh mục trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối của các ngân hàng vẫn ở mức xấp xỉ bằng 0%. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chậm trả lãi và gốc TPDN, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bao gồm nhiều tập đoàn lớn như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Trung Nam … Nhờ nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép gia hạn nợ trái phiếu (tối đa 2 năm) nên những TPDN trên không bị chuyển thành nợ xấu. 

Theo thống kê của Fiingroup, tỷ lệ nợ mất khả năng thanh toán (bao gồm cả nợ được gia hạn) đối với TPDN đến cuối quý II/2023 là 26,9% và dự báo sẽ tăng lên 40% vào cuối năm 2023. 

Kênh huy động từ TPDN chiếm khoảng 30% vốn vay của các công ty bất động sản hiện vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá. ACBS dự báo doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, đồng thời, áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2023. 

Việc thiếu nguồn cung bất động sản chất lượng tốt khiến tiến độ bán hàng chưa thực sự khởi sắc dù lãi suất cho vay đã giảm 2% đến 3% so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, dòng tiền vẫn còn bị tắc nghẽn trong khu vực dân cư và bài toàn thanh khoản doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa giải quyết triệt để. 

Mặc dù Chính phủ và các ban ngành đã có những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, tuy nhiên, ACBS cho rằng sẽ cần nhiều thời gian để có thể khai thông thị trường bất động sản. 

Cân đối chi phí dự phòng để bảo vệ lợi nhuận

Trong quý II/2023, chi phí dự phòng của các ngân hàng gần như đi ngang, chỉ tăng 1,3% so với quý liền trước và 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu đã tăng cao từ quý IV/2022 nhưng chi phí dự phòng không đi lên tương ứng giúp lợi nhuận ngân hàng tương đối ổn định.

Theo thống kê từ ACBS, chi phí tín dụng (chi phí dự phòng/dư nợ) trong quý II/2023 chỉ ở mức 0,34%, tương đương giai đoạn trước đại dịch COVID. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu vọt lên mức 1,93%, tăng 16 điểm cơ bản (bps) so với quý liền trước, 46 bps so với đầu năm và 52 bps so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến chi phí trích lập dự phòng không tăng mạnh, bất chấp việc nợ xấu vọt lên, là do các ngân hàng (đặc biệt là những ngân hàng TMCP có vốn nhà nước) đã chủ động trích lập sớm để làm dày bộ đệm dự phòng, sẵn sàng đối phó với rủi ro.

ACBS nhận định rằng những ngân hàng có bộ đệm dự phòng dày vẫn có dư địa để kiểm soát chi phí dự phòng không đi lên quá cao trong năm 2023. Theo ước tính của ACBS, chi phí tín dụng sẽ ở mức 1,5% dư nợ trong năm 2023, tương đương 2022 và chi phí tín dụng chỉ tăng nhẹ khoảng 10% so với 2022.

 

ACBS dự báo chất lượng tài sản và chi phí dự phòng sẽ có sự phân hóa, phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và năng lực quản trị rủi ro của từng ngân hàng. Theo đó, những ngân hàng kiểm soát được tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp như Vietcombank (1,5%), ACB (1,9%) có khả năng duy trì được chất lượng tài sản tốt trong nửa cuối 2023. 

Những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như VCB (386%), VietinBank (169%), MB (156%) và BIDV (153%) cũng có dư địa để xóa nợ xấu bòng nguồn dự phòng, bảo vệ chất lượng tài sản, kiểm soát chi phí dự phòng. 

ACBS nhấn mạnh rằng khả năng kiểm soát nợ xấu tốt cũng như sở hữu bộ đệm dự phòng dày là những yếu tố quan trọng giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận ổn định, đạt khả năng sinh lời cao trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều rủi ro.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.