Nga xem xét bán dầu khí đổi lấy bitcoin
Trong một cuộc họp báo ngày 24/3, Chủ tịch Ủy ban năng lượng của Duma quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) Pavel Zavalny cho biết các quốc gia "thân thiện" với Nga như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được quyền linh hoạt hơn trong phương thức thanh toán tiền mua dầu mỏ, khí đốt.
"Từ lâu chúng tôi đã đề xuất với phía Trung Quốc về việc chuyển sang sử dụng đồng ruble và nhân dân tệ trong thanh toán. Với Thổ Nhĩ Kỳ, giao dịch sẽ được thực hiện bằng ruble và lira. Các bên cũng có thể giao dịch bằng bitcoin", ông Zavalny nói.
Giá bitcoin bật tăng sau khi thông tin về phát biểu của ông Zavalny được đăng tải, hiện nay đạt khoảng 44.000 USD, cao hơn 2% so với 24 giờ trước.
Theo CNBC, vị quan chức Duma Nga cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin hôm 23/3 rằng những nước "không thân thiện" với Nga sẽ phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.
"Nếu bọn họ muốn mua thì sẽ phải trả bằng ngoại tệ mạnh, và ngoại tệ mạnh với Nga chính là vàng. Hoặc bọn họ có thể trả theo cách thuận tiện cho chúng ta, tức là bằng đồng tiền của Nga", ông Zavalny nói.
Giá khí đốt tại châu Âu bật tăng mạnh trong ngày 24/3 khi các nhà giao dịch lo ngại động thái mới của Nga sẽ khiến nguồn cung thêm thiếu hụt.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu năng lượng lớn nhất của Nga, như thống kê bên dưới cho thấy. Năm 2021, Nga xuất khẩu tổng cộng 4,7 triệu thùng dầu, trong đó gần một nửa là sang châu Âu.
Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga nhằm trừng phạt hành động quân sự của Moscow ở Ukraine.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) khó có thể đưa ra quyết định tương tự do mức độ phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Nga để sưởi ấm, phát điện cũng như làm nguyên liệu trong công nghiệp.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, châu Âu đã không giảm mà còn tăng cường mua khí đốt từ Nga do lo ngại nguồn cung trong tương lai có thể bị cắt đứt. Đầu tháng 3, châu Âu trả cho Nga gần 700 triệu Euro tiền khí đốt mỗi ngày, như thể hiện trong thống kê bên dưới.
CNBC dẫn lời ông Nic Carter, nhà sáng lập công ty tiền mã hóa Coin Metrics nhận định: "Rõ ràng là Nga đang tìm cách đa dạng hóa sang các loại tiền tệ khác". Ông cho biết Nga đã chuẩn bị cho bước chuyển đổi kiểu này kể từ năm 2014 khi Moscow bán toàn bộ Trái phiếu Kho bạc Mỹ.
"Tuy nhiên, Nga đã không chuẩn bị cho kịch bản dự trữ ngoại hối của mình bị đóng băng", ông Carter nói. Tính đến tháng 2/2022, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối, các lệnh trừng phạt của Phương Tây khiến cho Nga không thể tiếp cận khoảng 300 tỷ USD.
Nga vẫn còn khoảng 140 tỷ USD dự trữ dưới dạng vàng thỏi ở trong nước, cùng với đó là dự trữ nhân dân tệ và một số tài sản tài chính khác.
Nga hiện nay tỏ ra rất nghiêm túc trong việc loại bỏ hoàn toàn USD và Euro khỏi hoạt động thanh toán. "Nga có thứ mà thế giới cần. Nga là nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất toàn cầu", ông Carter nói.
Nga có thể chuyển đổi dầu mỏ và khí đốt thành các tài sản bên ngoài hệ thống USD. Thống kê bên dưới cho thấy xuất khẩu khí tự nhiên đem về cho Nga hàng chục tỷ USD mỗi quý.
Ông Putin đã thay đổi quan điểm về bitcoin. Năm 2021, Tổng thống Nga nói trên kênh CNBC rằng ông tin bitcoin có giá trị nhưng ông không cho là đồng tiền mã hóa này có thể thay thế USD trong thanh toán dầu mỏ.
Giờ đây, ông chủ của Điện Kremlin lại đang xem xét nhận bitcoin trong giao dịch năng lượng. Tuy nhiên, thanh khoản của bitcoin tương đối thấp nên chưa chắc đã phù hợp với quy mô khổng lồ của thị trường dầu khí.