Mỹ lên kịch bản cho trường hợp Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt
"Đội Mãnh hổ”
Nhà Trắng đã âm thầm tập hợp một nhóm quan chức an ninh để phác thảo kịch bản về cách Mỹ và các đồng minh nên phản ứng trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin giải phóng kho dự trữ vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân.
Với cái tên “Đội Mãnh hổ”, đơn vị đặc biệt này cũng đang nghiên cứu cách phản ứng trong trường hợp Nga tấn công vào các đoàn xe tiếp tế cho Ukraine tại lãnh thổ NATO.
“Đội Mãnh hổ” họp ba lần một tuần và còn xem xét khả năng Moscow gia tăng xung đột sang các nước láng giềng như Moldova và Georgia. Một nội dung khác mà nhóm này quan tâm là cách để Châu Âu đối phó với làn sóng tị nạn khổng lồ.
Những tình huống dự phòng đó dự kiến sẽ là trọng tâm của một phiên họp bất thường tại Brussels vào ngày 24/3. Tổng thống Biden sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 29 quốc gia NATO sau cánh cửa đóng kín, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Ukraine diễn ra.
Chỉ một tháng trước, những tình huống dự phòng ấy tưởng như chuyện viển vông. Nhưng hôm nay, từ Trụ sở của NATO tại Brussels, các lãnh đạo đã phải công nhận khả năng Nga sẽ sử dụng đến những vũ khí mạnh nhất để thoát khỏi tình trạng bế tắc về mặt quân sự.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tính cấp thiết của nỗ lực chuẩn bị vào hôm 23/3. Ông nói với phóng viên rằng, nếu Nga chỉ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Ukraine, hậu quả nghiêm trọng vẫn sẽ xảy đến với người dân NATO.
Ông Stoltenberg lo sợ rằng các đám mây hóa học hoặc phóng xạ có thể trôi qua biên giới. Một vấn đề đang được xem xét là liệu thiệt hại ngoài dự kiến có được coi là một "cuộc tấn công" vào NATO hay không.
Nhóm “Mãnh hổ” được thành lập trong một bản ghi nhớ do ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ký vào ngày 28/2. Lần gặp mặt trước đó là để chuẩn bị cho chính phủ Mỹ đối phó với khả năng Nga tấn công Ukraine.
Đội ngũ tư vấn này đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra các kịch bản trừng phạt mạnh mẽ, triển khai quân đội ở các quốc gia NATO, trang bị cho quân đội Ukraine đồng thời khai thác những điểm yếu của Nga.
Ông Stoltenberg cho biết ông mong đợi "các đồng minh sẽ đồng ý cung cấp hỗ trợ bổ sung, bao gồm hỗ trợ an ninh mạng và thiết bị để giúp Ukraine chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân."
Các kịch bản
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jack Reed, người đứng đầu Ủy ban Các lực lượng Vũ trang, cho biết nếu ông Putin sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt - hóa học, sinh học hoặc hạt nhân, Nga "sẽ chịu hậu quả" ngay cả khi việc sử dụng vũ khí chỉ giới hạn ở Ukraine.
Ông Reed cho biết, bức xạ từ vũ khí hạt nhân có thể ảnh hưởng đến một quốc gia láng giềng và được coi là một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên NATO. Một vấn đề chính mà Đội Mãnh hổ đang xem xét là ngưỡng có thể thúc đẩy liên minh sử dụng lực lượng quân sự ở Ukraine.
Ông Biden đã nói rõ rằng ông rất muốn tránh triển khai quân đến Ukraine, vì lo ngại rằng cuộc đối đầu trực tiếp với Nga có thể khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát. “Đó là Thế chiến III,” Tổng thống Mỹ nói.
Mối quan tâm trước mắt là những gì Tổng thống Putin có thể làm tiếp theo nhằm chấm dứt sự bế tắc về quân sự và răn đe đối thủ.
Các quan chức tin rằng khả năng ông Putin sử dụng đến vũ khí hạt nhân là rất nhỏ. Tuy nhiên, những lời nhắc nhở đều đặn của Nga rằng họ có kho vũ khí ở trạng thái sẵn sàng và có thể sử dụng nó để đối phó với bất kì "mối đe dọa sinh tồn" nào, đã khiến Washington phải cảnh giác cao độ.
Người đứng đầu NATO, Jens Stoltenberg, nói rằng liên minh sẽ tăng gấp đôi số lượng nhóm chiến đấu ở sườn phía đông của mình bằng cách triển khai bốn đơn vị mới ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
Một quan chức cấp cao cho biết bất kỳ việc sử dụng bom hạt nhân chiến thuật “nhỏ” nào của Nga, ngay cả bên trong Ukraine và không nhằm vào một thành viên NATO, sẽ khiến Mỹ và NATO phải tham chiến.
Quan chức này cho biết tình báo Mỹ và NATO chưa thấy bất kỳ hoạt động nào của Nga cho thấy việc chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Artis Pabriks, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, cho biết nếu ông Putin cố tình tấn công một quốc gia NATO thì toàn bộ NATO sẽ đánh trả Nga.
Ông Pabriks nói: “Tổng thống Putin sẽ phạm phải Điều 5”. “Điều 5” là cam kết của NATO rằng một cuộc tấn công vào một thành viên liên minh là một cuộc tấn công vào tất cả.
Thương nghị sĩ Angus King nói rằng khi các lực lượng Nga sa lầy, ông Putin có thể cố gắng đạt được một thỏa thuận ngoại giao, tăng cường bắn phá và san bằng các thành phố của Ukraine, hoặc tấn công mạng vào Phương Tây.
“Sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là ‘tăng căng thẳng để giảm căng thẳng’”, ông King nhắc tới học thuyết quân sự của Nga, trong đó Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân như một lời cảnh báo, sau đó chuyển sang thương lượng.
Không thể giảm căng thẳng?
Các nhà nghiên cứu của Đại học Princeton đã đưa ra một giả lập cho thấy việc sử dụng một loại vũ khí hạt nhân chiến thuật (sức công phá nhỏ) có thể dẫn đến một cuộc xung đột kinh hoàng trên toàn thế giới.
Trong đoạn video dài gần 4 phút, một "phát súng cảnh báo hạt nhân" của Nga nhằm vào liên quân Mỹ-NATO dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu khiến cho 91,5 triệu người chết và bị thương.
Thay vì làm giảm leo thang xung đột, vũ khí hạt nhân chiến thuật sau khi được sử dụng sẽ khiến mọi thứ vượt khỏi tuần kiểm soát. Tuy chỉ diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ nhưng tổng thương vong từ cuộc chiến sẽ là 34,1 triệu người chết và 57,4 triệu người bị thương.
Bụi phóng xạ từ thảm họa hạt nhân sẽ gây ra thêm nhiều cái chết. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, ngay cả khi vũ khí hạt nhân được sử dụng hạn chế, bầu khí quyển của Trái đất sẽ lạnh đi đáng kể, gây ra nạn đói, khủng hoảng tị nạn, xung đột và nhiều người chết hơn.