|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia dự báo phản ứng của Nga khi Phần Lan và Thụy Điển vào NATO

14:47 | 17/05/2022
Chia sẻ
Tổng thống Nga Putin tuyên bố việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp với Nga nhưng Moscow sẽ "phản ứng phù hợp". Các chuyên gia Phương Tây đã đánh giá những cách mà Nga có thể đáp trả hai nước Bắc Âu.

“Không có vấn đề”

Phát biểu tại Hội nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CTSO) hôm 16/5, Tổng thống Vladimir Putin cho biết việc NATO liên tục bành trướng “là vì lợi ích cho chính sách đối ngoại của Mỹ”, hãng tin RT cho hay.

Ông cho biết thêm rằng khối quân sự NATO thường xuyên được sử dụng như công cụ của Mỹ một cách “khá bền bỉ, khéo léo và rất hung hăng”.

Theo quan điểm của ông Putin, những động thái mới của hai nước Bắc Âu càng lạm trầm trọng thêm vấn đề an ninh quốc tế vốn đã phức tạp. Tuy nhiên, Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không làm ông phiền lòng.

“Nga không có vấn đề gì với việc các quốc gia này gia nhập NATO. Sự bành trướng của NATO thông qua Phần Lan và Thụy Điển không tạo ra mối đe dọa trực tiếp với Nga”, ông khẳng định. “Tuy nhiên, sự xuất hiện của cơ sở hạ tầng quân sự NATO tại những lãnh thổ này chắc chắn sẽ khiến Nga có phản ứng”, Tổng thống Nga nói thêm.

Ông Putin nói rằng phản ứng của Nga sẽ tùy thuộc vào những mối đe dọa cụ thể mà NATO gây ra. “Nga sẽ phản ứng phù hợp”, Tổng thống Putin khẳng định.

Nếu trừ đi Phần Lan và Thụy Điển, Châu Âu chỉ còn 5 quốc gia "trung lập". Các quốc gia trung lập đều không có biên giới với Nga, và thường có diện tích nhỏ. 

Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố rằng nếu nước này gia nhập NATO, Stockholm sẽ “chống lại việc triển khai vũ khí hạt nhân và các căn cứ thường trực trên lãnh thổ”.

The Washington Post dẫn lời Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ, bà Karin Olofsdotter tuyên bố rằng hiện không có kế hoạch triển khai lực lượng NATO tại cả hai quốc gia Bắc Âu. “Chúng tôi sẽ gia nhập NATO. Tuy nhiên, không có thảo luận về việc NATO triển khai ở Thụy Điển hay Phần Lan. Cả hai nước đều có thể tự lo cho vấn đề an ninh của mình”, bà nói. 

Đại sứ Phần Lan tại Mỹ cho biết Helsinki đã sẵn sàng làm phần việc của mình, bằng cách triển khai lực lượng tại một quốc gia Châu Âu khác nếu được đảm bảo phòng thủ tập thể theo Điều 5 trong Hiến chương NATO.

"Phản ứng phù hợp"

Truyền thông Phần Lan cho biết Helsinki đang chuẩn bị cho việc bị Nga cắt dòng khí đốt ngay lập tức. Nước này cũng đã sẵn sàng kịch bản bị cắt khí thiên nhiên vào hôm 23/5 do từ chối thanh toán bằng ruble theo yêu cầu của Điện Kremlin.

Mặc dù ông Putin tuyên bố việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO "không thành vấn đề", Nga cũng khẳng định sẽ có những "phản ứng phù hợp" với từng mức độ căng thẳng. Newsweek đã hỏi 6 chuyên gia về việc Tổng thống Putin có thể sẽ làm gì tiếp theo. Mặc dù mỗi người đưa ra một quan điểm riêng, tất cả đều đồng ý rằng ít có khả năng Nga sẽ đáp trả quân sự.

Bà Johanna Vuorelma, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu thuộc Đại học Helsinki cho biết Phần Lan đã có sự chuẩn bị cho các loại tình huống từ nhiều tháng nay.

"Sự đáp trả từ Nga có thể là một số mối đe dọa hỗn hợp, hay những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Các chiến thuật đã được đưa ra, mọi tình huống điều đã được chuẩn bị”.

Ông Keir Giles, cố vấn cao cấp thuộc chương trình Nga và Á-Âu, Viên nghiên cứu Chatham House cho rằng Phần Lan từ lâu đã đối mặt với những hành động thù địch và gây tổn hại chỉ vì “nằm cạnh Nga”.

Ông cho biết, Nga sẽ tăng cường “những hành động như bao vây kinh tế, tác chiến điện tử, đẩy người tị nạn sang biên giới”.

Bà Mai’a Cross, giáo sư chính trị tại Đại học Northeastern lại lập luận rằng Tổng thống Putin sẽ sử dụng cơ hội này để tăng cường tuyên truyền trong nước về việc “NATO là mối nguy cho an ninh của Nga”.

“Có khả năng quân đội Nga sẽ trả đũa bằng những chiến thuật tàn bạo hơn tại Ukraine nhằm đạt được chiến thắng về lãnh thổ. Cũng không thể loại trừ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu như Tổng thống Putin cảm thấy bị dồn vào chân tường”, bà nói thêm.

Nhưng theo giáo sư Cross, Phương Tây đang đoàn kết hơn bao giờ hết, NATO đang mạnh lên và ông Putin sẽ sớm nhận ra rằng kế hoạch của mình đã phản tác dụng. 

Giáo sư Peter Rutland tại đại học Wesleyan tin rằng những lựa chọn để đáp trả của Tổng thống Putin khá hạn chế. “Phần Lan đã ngừng tuyến đường sắt tới St. Petersburg”, ông cho biết.

“Ông Putin có thể cắt dòng khí đốt. Tuy nhiên, khí đốt chỉ chiếm khoảng 5% tổng nguồn cung năng lượng của Phần Lan, và Helsinki có thể tìm được sự thay thế từ Estonia”.

Trong ba quý đầu năm 2021, khí đốt chỉ chiếm 6% nguồn cung năng lượng của Phần Lan. 

Trung tá William Astore, cựu giáo sư tại Học viện Không lực Mỹ cho hay: “Ngay cả một cuộc tấn công chính xác nhằm vào Phần Lan cũng sẽ là một thất bại lớn về mặt tuyên truyền đối với Tổng thống Putin. Hành động đó sẽ như một lời khẳng định rằng ông Putin là 'tội phạm chiến tranh”.

“Chiến tranh mùa đông 1939-1940 là thảm họa với quân đội Liên Xô và lãnh tụ Stalin. Người Nga có trí nhớ lâu dài, và tôi không thấy có lý do nào để sa lầy vào một cuộc chiến khác với Phần Lan”, ông nói thêm.

Ông Matt Qvortrup, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Coventry cho rằng mặc dù “Nga nói sẽ làm nhiều thứ, nhưng Moscow sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như bắt đầu một cuộc chiến mới do vẫn chưa giải quyết xong xung đột Ukraine”.

“Thất bại của Liên Xô trong Chiến tranh mùa Đông năm 1940 là một phiên bản thu nhỏ cho những gì đang diễn ra tại Ukraine”. Ông nói: “Nếu bạn đang quay cuồng trong một cuộc chiến, thì không nên bắt đầu một trận đấu mới, đặc biệt với đối thủ mà bạn đã từng thua”.

Minh Quang