|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân trở lại mua ròng gần 3.400 tỷ đồng sau hai tháng bán ròng liên tục, tập trung NVL, VPB, SSI

07:30 | 05/09/2023
Chia sẻ
Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường, NĐT cá nhân quay lại mua ròng trong tháng 8 (tập trung mua ròng vào 3 tuần đầu tháng) sau khi duy trì bán ròng hai tháng trước đó. Trong khi đó, khối ngoại và tổ chức trong nước ở vị thế bán ròng đối ứng.

Nối tiếp xung lực tăng trong tháng 7, VN-Index từng bước chinh phục các ngưỡng điểm số cao và lên cao nhất tháng tại mốc 1.242 điểm. Tuy nhiên phiên điều chỉnh mạnh mẽ ngày 18/8 đã khiến thị trường “đánh rơi” hơn 55 điểm. Nỗ lực nâng đỡ sau đó đã giúp chỉ số chính dần ổn định và hồi phục mạnh mẽ trong tuần cuối tháng 8.

Nhìn chung, VN-Index khép lại tháng 8 biến động mạnh với mức tăng nhẹ 1,15 điểm tương đương 0,09% so với tháng trước, dừng chân tại mốc 1.224,05 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục lên cao với giá trị khớp lệnh bình quân sàn HOSE tăng hơn 11% so với tháng trước, đạt 20.300 tỷ đồng/phiên.

Với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt mức kỷ lục trong tháng 7 đã nâng tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 7/2023 đạt gần 7,5 triệu tài khoản.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân tập trung mua ròng nhóm chứng khoán, ngân hàng

Trong tháng 8, nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng mua ròng 3.378 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng qua khớp lệnh là 4.372 tỷ đồng.

Thống kê từ Fiintrade cho thấy, cán cân giao dịch nghiêng về bên mua với 13/18 các nhóm ngành được mua ròng. Trong đó, cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 1.547 tỷ đồng. Dòng tiền cá nhân đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu dịch vụ tài chính trong bối cảnh nhóm này có nhịp tăng 9,02% trong tháng 8. Tương tự, nhóm xây dựng & vật liệu cũng được gom ròng với giá trị 1.090 tỷ đồng.

Bên cạnh hai lĩnh vực trên, giao dịch mua ròng còn được chứng kiến tại các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (898 tỷ đồng), bán lẻ (620 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (350 tỷ đồng), công nghệ thông tin (333 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (220 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu thực phẩm & đồ uống với giá trị 550 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu thực phẩm có tỷ trọng giá trị giao dịch giảm từ 8,47% về 6,83% toàn thị trường trong khi chỉ số giá ngành tăng 1,72% trong tháng.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 86 tỷ đồng ở nhóm ô tô & phụ tùng và 77 tỷ đồng cổ phiếu hóa chất, 63 tỷ đồng nhóm bất động sản và 36 tỷ đồng lĩnh vực y tế.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu NVL của Novaland ghi nhận giá trị vào ròng gần 1.310 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của tổ chức trong nước.

Lực mua các cá nhân cũng tìm đến VPB của VPBank với giá trị 1.274 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như SSI (1.220 tỷ đồng), MWG (780 tỷ đồng), HPG (436 tỷ đồng), STB (404 tỷ đồng), VCB (326 tỷ đồng), FPT (311 tỷ đồng). Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các cổ phiếu như VCG (883 tỷ đồng), DPM (371 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở VNM với 1.146 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất bị rút ròng trên nghìn tỷ đồng trong tháng qua.

Cùng chiều, các cá nhân rút ròng một số đại diện ngành ngân hàng như CTG (706 tỷ đồng), SHB (444 tỷ đồng), TPB (320 tỷ đồng) và SSB (273 tỷ đồng). Bên cạnh đó, cá nhân trong nước vẫn bán ròng bộ đôi cổ phiếu họ Vingroup là VIC (429 tỷ đồng) và VRE (268 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng, tập trung xả NVL, VCG

Giao dịch trái chiều với các NĐT cá nhân, tổ chức trong nước xả ròng 2.113 tỷ đồng trong tháng vừa qua, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 3.040 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 12/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng & vật liệu với 1.000 tỷ đồng.

Theo sau, danh mục rút ròng được chứng kiến ở các cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp (667 tỷ đồng), bất động sản (431 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (428 tỷ đồng), bán lẻ (351 tỷ đồng), công nghệ thông tin (281 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước dàn trải ở các ngành ngân hàng (285 tỷ đồng), dầu khí (81 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (41 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu TPB với 405,5 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của TPBank diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng hơn 4,5% trong tháng vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các NĐT cá nhân.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng và bất động sản như VIC (378,5 tỷ đồng), SHB (368,9 tỷ đồng), SSB (231,2 tỷ đồng), VHM (190,8 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu NVL đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 1.185,6 tỷ đồng. Cùng thuộc nhóm bất động sản, VCG cũng nằm trong top rút ròng với 1.062,8 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có MWG (299,4 tỷ đồng), TCB (265,7 tỷ đồng), HPG (247,3 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi